Bỉ đã trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng cách ly 21 ngày bắt buộc với bệnh nhân đậu mùa khỉ.
Theo chuyên trang theo dõi bệnh đậu mùa khỉ Global Health, ít nhất 220 ca bệnh được xác nhận và hàng chục ca nghi ngờ ở hơn 20 quốc gia. Hai nước ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất là Anh và Tây Ban Nha. Chủng virus gây bệnh trong làn sóng này được xác định là chủng Tây Phi với tỷ lệ tử vong là 1%.
Australia là quốc gia đầu tiên của châu Á Thái Bình Dương ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Tại châu Âu, 13 quốc gia đã phát hiện người mắc bệnh đậu mùa khỉ với khoảng 200 trường hợp.
Bỉ đã áp dụng cách ly 21 ngày bắt buộc với bệnh nhân đậu mùa khỉ. Các ca tiếp xúc gần không bắt buộc phải cách ly nhưng được khuyến khích nên cảnh giác, đặc biệt nếu tiếp xúc người dễ bị tổn thương.
Tại châu Á, Israel là quốc gia phát hiện đầu tiên và cũng rất sớm nhưng số ca bệnh mới chỉ dừng lại ở mốc một người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trình tự bộ gene từ một mẫu bệnh phẩm ở Bồ Đào Nha cũng cho thấy sự trùng khớp giữa virus đậu mùa khỉ đang lây lan với đợt bùng phát Nigeria sang Vương quốc Anh, Israel và Singapore vào năm 2018 và 2019.
Virus đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958. Tên bệnh được đặt xuất phát từ thực tế là hai đợt bùng phát một căn bệnh như bệnh đậu mùa xảy ra trên những con khỉ trong phòng thí nghiệm được giữ để nghiên cứu.
Bệnh có biểu hiện tương tự như bệnh đậu mùa, và thường có triệu chứng nhẹ như sốt, đau cơ, sưng mặt và toàn thân. Các nốt mụn nước xuất hiện trên da trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu sốt, đi kèm các triệu chứng như đau nhức cơ, nhức đầu và cảm lạnh. Các triệu chứng bệnh xuất hiện từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Các biến chứng của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi phế quản, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine của bệnh đậu mùa thông thường có thể hiệu quả tới 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Trước đây, trong y văn ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm (tiếp xúc với chăn, ga, gối, đệm, vải trải giường, quần áo, khăn mặt,…) của người nhiễm bệnh. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh).
Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo,…) hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh cũng có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Hiện chưa ghi nhận việc bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không. Tuy nhiên, theo thông tin từ WHO, nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và người song tính nhưng vấn đề này cần phải được nghiên cứu chi tiết hơn.
Căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh và trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh.
Việc cảnh giác và phòng bệnh là hết sức cần thiết. Cần thường xuyên thực hiện ăn chín, uống chín. Chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác. Người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được cách ly ngay lập tức và tránh tiếp xúc với người lành.
(Nguồn: Phụ nữ mới)