Ngày 10/2, Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (Hội CCR) phối hợp với MCNV tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” (Dự án PROSPER).
Sau 3 năm triển khai dự án (từ 15/2/2020-2023), Hội các nhóm hộ có CCR Quảng Trị và các chi hội là đại diện cho chủ rừng nhóm hộ gia đình, cộng đồng đã tham gia sâu vào tiến trình giảm phát thải và chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Với khoảng 2.880 ha rừng trồng gỗ keo đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC, Hội CCR và các chi hội đóng góp vào lượng giảm phát thải hằng năm nhờ những thay đổi về thực hành kỹ thuật lâm sinh của chủ rừng.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, 2.145 ha rừng tự nhiên của 5 chi hội miền núi được cấp chứng nhận FSC dịch vụ sinh thái (FSC-ES) đã đóng góp hấp thụ hằng năm khoảng 7.000 tấn CO2.
Hiện các chi hội đang tiếp cận nguồn chi trả tự nguyện hằng năm cho 7.000 tấn CO2, với mức chi trả khoảng 10 euro cho 1 tấn CO2, tương đương khoảng 1,5 tỉ đồng/năm.
Diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô.
Dự án PROSPER đã có những đóng góp vào chiến lược phát triển lâm nghiệp tại Quảng Trị, đó là: phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng trẩu lấy hạt; sản xuất than sinh học từ nguồn nguyên liệu tre FSC; cơ hội chi trả tự nguyện cho dịch vụ FSC-ES.
Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của chủ rừng nhóm hộ gia đình/cộng đồng trong quản lý rừng bền vững và giảm phát thải.
Dự án do Hội các nhóm hộ có CCR Quảng Trị làm chủ đầu tư; Liên minh Châu Âu và MCNV đồng tài trợ với kinh phí 800.000 Euro.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)