Người “chắp cánh” để sản phẩm nông nghiệp sạch vươn xa

Lệ Như |

Từng là một giáo viên đứng trên bục giảng nhưng trót đam mê với những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chị Trần Thị Lan, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), đã chọn hướng rẽ sang sản xuất nông sản sạch để khởi nghiệp. Là chủ của một cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản sạch, thành công lớn nhất của chị Lan đến thời điểm này là đem những sản phẩm thực sự an toàn đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng

Vừa trở về sau khi tham gia chương trình “Kết nối cung cầu TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành”, chị Lan phấn khởi chia sẻ: “Chương trình có sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp, 500 gian hàng thực phẩm tiêu dùng, đặc sản... đến từ 42 địa phương trong cả nước. Cơ sở sản xuất Trần Lan vinh dự được tỉnh tạo điều kiện tham gia chương trình với các sản phẩm đặc trưng gồm tinh bột nghệ, bột ngũ cốc, bột gừng sấy lạnh, bột sen và bột tía tô sấy lạnh.

Đây là những sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực, là sản phẩm OCOP 3 sao. Tham gia chương trình lần này, các sản phẩm của cơ sở đã được trưng bày trên các gian hàng đặc trưng vùng miền, kết nối với các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Đây thực sự là cơ hội lớn để cơ sở sản xuất nhỏ như chúng tôi tìm kiếm đầu ra, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Nguồn nguyên liệu sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên luôn được chị Lan ưu tiên lựa chọn -Ảnh: L.N
Nguồn nguyên liệu sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên luôn được chị Lan ưu tiên lựa chọn -Ảnh: L.N

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn, từ nhỏ, Lan có mơ ước trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng. Cô tin rằng, kiến thức có thể giúp mình thoát khỏi những ngày tháng lam lũ trên ruộng đồng.

Suốt quãng đời học sinh, Lan luôn nỗ lực hết mình để có thể đạt thành tích tốt trong học tập. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chuyên ngành Âm nhạc vào năm 2010, Lan có 10 năm đứng trên bục giảng. Cùng với niềm say mê mang kiến thức mới đến với các thế hệ học trò, Lan luôn đau đáu nghĩ về việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con tại quê nhà.

Một ngày cuối năm 2019, cô giáo trẻ Trần Thị Lan quyết định chuyển sang một ngã rẽ khác khiến nhiều người không khỏi bất ngờ: trở về quê sản xuất nông sản sạch. “Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, nơi có những người nông dân lam lũ sớm hôm để làm ra hạt lúa, củ khoai.

Những vụ mùa bội thu đem lại niềm vui rất lớn cho bà con nhưng nhiều khi họ vẫn luôn canh cánh bên lòng nỗi lo được mùa mất giá. Sản phẩm nông sản sạch do người dân sản xuất đầu ra còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường. Trong lúc đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng trên thị trường ngày một tăng cao.

Xuất phát từ thực tế đó, tôi muốn làm “cầu nối” để đưa sản phẩm sạch của bà con nông dân đến với người tiêu dùng. Đó cũng là lý do thôi thúc tôi rời bỏ bục giảng để trở về quê xây dựng cơ sở sản xuất ra những sản phẩm đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của mọi người từ chính những sản phẩm nông nghiệp an toàn của địa phương”, chị Lan bộc bạch.

Bắt tay vào sản xuất nông sản sạch, ban đầu chị Lan gặp không ít khó khăn. Chị nhớ lại: “Một giáo viên âm nhạc, không chút kiến thức về nông nghiệp lại bắt tay vào khởi nghiệp bằng chính sản phẩm nông nghiệp nên ban đầu không ít người hoài nghi, thậm chí không ủng hộ. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác, không có việc gì khó, chỉ cần có niềm đam mê, có quyết tâm chắc chắn sẽ thành công.

Thiếu kiến thức, không có chuyên môn, bản thân sẽ chăm chỉ học tập để dần hoàn thiện mình. Tôi tin tưởng rằng lựa chọn của mình sẽ góp một phần nhỏ bé giúp người dân địa phương có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, ngày càng có nhiều sản phẩm sạch đến được với người tiêu dùng và tạo thêm việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn”.

Chữ “tâm” làm nên thương hiệu

Với tâm niệm, để phát triển một sản phẩm cần có ba điều kiện là chất lượng sản phẩm, chỗ đứng trên thị trường và chữ “tâm” của người sản xuất. Ngay từ khi bắt tay vào sản xuất sản phẩm đầu tiên, chị Lan quyết tâm sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Chị Lan chia sẻ: “Khi tiếp cận với một sản phẩm mới, vấn đề đầu tiên khách hàng quan tâm chính là nguồn gốc xuất xứ, sau đó giá cả, thành phần và những tác dụng của sản phẩm đối với sức khỏe. Do vậy, quá trình sản xuất, chúng tôi luôn đặt nguồn gốc xuất xứ lên hàng đầu, đồng thời luôn tuân thủ nghiêm ngặt khâu vệ sinh nhà xưởng, máy móc, thiết bị luôn bảo đảm”.

Các sản phẩm nông nghiệp sạch do chị Lan sản xuất có mẫu mã đẹp được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn -Ảnh: L.N
Các sản phẩm nông nghiệp sạch do chị Lan sản xuất có mẫu mã đẹp được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn -Ảnh: L.N

Sau một thời gian được trải nghiệm, học tập, dần dần sản phẩm của cơ sở chị Lan từng bước khẳng định được thương hiệu và tìm được chỗ đứng đối với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Từ một vài sản phẩm khi bắt tay vào khởi nghiệp, đến nay cơ sở đã có trên 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn, trong đó có 3 sản phẩm gồm bột gừng sấy lạnh; bánh cốm gạo lứt mè quê và ngũ cốc cao cấp được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Chị Lan cũng không ngần ngại chia sẻ rằng, hiện nay, với các sản phẩm được sản xuất từ nông sản quê nhà tiêu thụ khá thuận lợi, doanh thu từ năm 2021 đến nay đạt trên 1,2 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay cơ sở của chị Lan đã kết nối được với nhiều nhà phân phối lớn, các đại lý trong và tỉnh. Đặc biệt sản phẩm bánh cốm gạo lứt mè quê đã được khách hàng tin dùng và phân phối số lượng lớn.

Cùng với những thành công bước đầu trên chặng đường khởi nghiệp, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Lan đã hơn một lần nhắc đến những khó khăn mà chị đã và đang gặp phải.

“Vốn, nguyên liệu, chuyên môn nghiệp vụ là những khó khăn mà tôi gặp phải khi bắt tay vào khởi nghiệp. Tuy nhiên, tôi đã gỡ khó bằng cách chọn sản xuất từ những sản phẩm nhỏ nhất, ít vốn nhất và an toàn nhất như tinh bột nghệ, bột ngũ cốc. Sau đó, dần dần tôi tìm đến đậu đỗ, sắn dây, bột thảo mộc…

Bây giờ, tuy có điều kiện hơn trong sản xuất nhưng chúng tôi vẫn gặp khó khăn về nhà xưởng sản xuất; trang thiết bị, máy móc còn thô sơ, các sản phẩm chủ yếu được làm bằng thủ công kết hợp với máy móc, cách làm còn bán tự động. Do vậy, để bước tiếp trên con đường khởi nghiệp của mình, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, tôi rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên để cơ sở Trần Lan được nâng cấp hệ thống thiết bị máy móc, dụng cụ.

Niềm vui của người nông dân khi tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản sạch -Ảnh: L.N
Niềm vui của người nông dân khi tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản sạch -Ảnh: L.N

Cùng với đó, trong thời đại công nghệ 4.0, cơ sở rất mong sự quan tâm hỗ trợ để kết nối với nhiều kênh bán hàng như shope, lazada, quangtrimart.vn, qua đó tạo thuận lợi hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm”, chị Lan cho hay.

“Niềm vui của bà con khi tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp sạch; sự phấn khởi của nhiều lao động địa phương khi tìm được công việc phù hợp với thu nhập ngay tại quê nhà; niềm tin của người tiêu dùng khi tiếp cận được những sản phẩm nông nghiệp sạch, đó chính là phần thưởng lớn tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa, từng bước vượt qua mọi khó khăn để mở rộng quy mô sản xuất.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong và ngoài tỉnh, tôi muốn sản phẩm nông nghiệp sạch đặc trưng của quê hương được vươn ra thị trường khu vực, thế giới”, chị Lan bày tỏ. Với niềm đam mê, tình yêu dành cho nông nghiệp, tin tưởng rằng, ước mơ của chị Lan sớm thành hiện thực, các sản phẩm nông nghiệp sạch sẽ tiếp tục được chị “chắp cánh” vươn xa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhiều đường bay đã hết sạch vé trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Việt Hùng |

Theo thông tin từ Cục Hàng không, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay này đang có xu hướng tăng nhanh và nhiều đường bay có tỷ lệ đặt chỗ trên 90-100% vào các ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Nước sạch biên phòng, vui lòng dân bản

Nguyễn Thành Phú |

Địa bàn vùng cao có đặc thù nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế khó khăn nên gần như toàn bộ các hộ dân ở 2 xã A Ngo và A Bung, huyện Đakrông thường xuyên phải sử dụng nước từ khe suối để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã trực tiếp triển khai và huy động các nguồn lực để đưa nước sạch về cho người dân sử dụng.

Tạo quỹ đất sạch trên địa bàn thành phố Đông Hà

Tân Nguyên |

Với mục tiêu thu hút đầu tư, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tỉnh Quảng Trị đang triển khai hàng loạt giải pháp về cải cách hành chính, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng: Xây dựng TP. Đông Hà hướng về chất lượng, một đô thị xanh, sạch, đẹp, an toàn

Hà Trang |

Ngày 23/11, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Lê Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TP. Đông Hà và một số sở, ngành liên quan để nghe dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khoá XV về xây dựng và phát triển TP. Đông Hà đến năm 2020 (Nghị quyết 02) và đề xuất ban hành chủ trương mới để phát triển Đông Hà sớm trở thành đô thị loại II.