Khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân

Lê An |

Khắc phục những thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, những ngày này, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tập trung ra đồng thu hoạch lúa vụ đông xuân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” và khẩn trương triển khai sản xuất vụ hè thu.

Trao đổi với chúng tôi khi đang bốc dỡ từng bao lúa vừa gặt xong từ máy gặt đập liên hợp xuống, ông Nguyễn Văn Phương ở tại thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cho biết, chưa có vụ đông xuân nào gặp nhiều ảnh hưởng do thời tiết bất lợi như vụ đông xuân năm nay.
Nếu như đợt mưa lớn bất thường từ ngày 31/3 đến 2/4 khiến nhiều diện tích lúa đang thời kỳ làm đòng - trổ bông bị ngập úng, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lúa thì một tháng sau, từ ngày 30/4 đến 1/5 mưa kèm gió mạnh lại tiếp tục làm cây lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã.

Theo ông Phương, do giai đoạn trổ bông gặp mưa lớn nên tỉ lệ hạt lép trên cây lúa khá nhiều, năng suất thu hoạch chỉ đạt khoảng 2,3 - 2,4 tạ/sào, thấp hơn vụ đông xuân năm trước từ 0,5 - 0,6 tạ/sào. Cây lúa bị đổ ngã nên tiền thuê máy gặt đập liên hợp cũng tăng từ 100.000 - 110.000 đồng/sào lên đến 150.000 - 180.000 đồng/sào. Ngoài ra, giá các loại phân bón, tiền thuê máy cày làm đất cũng tăng cao so với năm trước. Do vậy, mặc dù giá thu mua lúa của thương lái hiện đang ở mức cao, từ 6.600 đồng/kg lúa tươi và 9.000 đồng/kg lúa khô đối với lúa Bắc Thơm nhưng sau khi trừ chi phí, nông dân chỉ có lãi khoảng 500.000 - 600.000 đồng/sào.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm Võ Văn Long cho biết, trong tổng số 670 ha diện tích lúa toàn xã, đến thời điểm này đã thu hoạch được khoảng 50 - 60%; năng suất dự kiến đạt 53 tạ/ha, thấp hơn so với vụ đông xuân năm trước khoảng 3 tạ/ha. Nguyên nhân là do trận mưa lớn trái vụ xảy ra cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022 trúng vào thời điểm cây lúa đang trổ bông, phơi mao nên tỉ lệ hạt lép trên cây lúa khá cao. Còn đối với diện tích khoảng 350 ha lúa bị đổ ngã do ảnh hưởng của đợt mưa và gió mạnh vừa qua chủ yếu trong thời kỳ chín, được tiêu úng kịp thời nên thiệt hại không lớn.
Lúa vụ đông xuân được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá từ 6.600 đồng/kg lúa tươi - Ảnh: L.A
Lúa vụ đông xuân được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá từ 6.600 đồng/kg lúa tươi - Ảnh: L.A

Tuy nhiên, chi phí thuê máy gặt đập liên hợp sẽ tăng cao. Hiện tại địa phương đang động viên nông dân khẩn trương huy động nhân lực, máy móc ra đồng thu hoạch lúa, trong đó ưu tiên các diện tích đang bị đổ ngã. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để bắt tay ngay vào sản xuất vụ hè thu. “Trên cơ sở khung lịch thời vụ của tỉnh và huyện, UBND xã đã chỉ đạo các hợp tác xã (HTX) thực hiện phương châm thu hoạch đến đâu triển khai làm đất đến đó, phấn đấu xuống giống trà đầu từ ngày 22/5 và hoàn thành gieo cấy trước ngày 30/5”, ông Long cho biết thêm.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Diệp Hồng Cương thông tin, đến thời điểm này toàn huyện đã thu hoạch được trên 60% diện tích, năng suất dự kiến đạt khoảng 54 tạ/ha. Điểm đáng mừng là hiện tại giá thu mua lúa của thương lái đang ở mức khá cao, đơn cử như lúa Bắc Thơm đạt 9.000 đồng/kg, lúa Xuân Mai 6.300 đồng/kg, lúa HN6 7.600 đồng/kg và được thương lái thu mua ngay tại ruộng. Theo ông Cương, trên cơ sở dự báo vụ hè thu sẽ gặp nhiều khó khăn do nắng nóng gay gắt đầu vụ và mưa lũ cuối vụ, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa vụ đông xuân. Khẩn trương triển khai vệ sinh đồng ruộng, làm đất, tổ chức gieo cấy tập trung theo từng trà, đảm bảo nhanh gọn.

Thời vụ gieo cấy dự kiến từ ngày 22/5 đến 30/5 để lúa trổ tập trung khoảng từ 20/7 đến 28/7 nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa lũ cuối vụ. Sử dụng chủ yếu các giống lúa có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn như HN6, Đài Thơm 8, Thiên Ưu 8, Khang Dân… Đồng thời, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích lúa không đủ nước tưới sang các loại cây trồng cạn như ngô, đậu xanh…; đẩy mạnh chăn nuôi đối với những vùng khó khăn không thể chuyển đổi để tăng thêm thu nhập bù vào phần thiếu hụt do khô hạn không trồng trọt được.

Tại huyện Triệu Phong, trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Thiện Nhân cho biết, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ cực đoan từ ngày 31/3 đến ngày 2/4 vừa qua, trong tổng số hơn 5.980 ha diện tích lúa toàn huyện đã có 2.500 ha lúa đang trổ và chuẩn bị trổ bông bị ngập úng, đổ ngã, trong đó có hơn 1.781 ha bị ngập sâu có nguy cơ mất trắng. Sau trận mưa lũ trái mùa, nhờ sự tập trung chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tích cực trong công tác khắc phục của Nhân dân đã thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên góp phần giảm thiệt hại đáng kể. Năng suất lúa bình quân vụ đông xuân ước đạt 46,7 tạ/ha, sản lượng trên 279.600 tấn.

Theo ông Nhân, để sản xuất vụ hè thu đảm bảo khung thời vụ, an toàn, hiệu quả, huyện Triệu Phong đã chỉ đạo các địa phương động viên nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ đông xuân theo phương châm “gặt đến đâu, xử lý, làm đất, gieo cấy đến đó”. Bố trí giống lúa ngắn ngày và cực ngắn có thời gian sinh trưởng từ 85 - 90 ngày như HN6, Khang Dân và một số giống đã qua khảo nghiệm có triển vọng. Tùy theo điều kiện của từng xã, khả năng tưới để bố trí sản xuất và có kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn. Mỗi HTX lựa chọn cơ cấu thích hợp, chỉ cơ cấu 2 - 3 loại giống lúa chủ lực, khuyến khích đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh. “Theo kế hoạch, vụ hè thu toàn huyện sẽ đưa vào gieo cấy trên 5.540 ha, trong đó các giống lúa chất lượng cao trên 82%. Phấn đấu năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha”, ông Nhân cho hay.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy trên 25.970 ha lúa, cơ cấu chủ yếu là các giống chất lượng cao như Khang Dân, HT1, HN6, An Sinh 1399… Tuy nhiên, do đợt mưa lũ trái mùa vào cuối tháng 3/2022 đã làm ảnh hưởng hơn 11.600 ha lúa, trong đó có 9.030 ha không thể kết hạt, mất trắng hoàn toàn. Hiện nay tại các địa phương, nông dân đang tập trung thu hoạch lúa vụ đông xuân, diện tích đã thu hoạch trên 5.000 ha, năng suất bình quân dự kiến khoảng 50 tạ/ha, thấp hơn so với vụ đông xuân năm trước khoảng 10,5 tạ/ha. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, dự báo vụ hè thu thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; mùa bão, lũ năm 2022 xuất hiện sớm hơn so với trung bình hằng năm.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, tổ chức thắng lợi sản xuất vụ hè thu trong bối cảnh giá cả vật tư tiếp tục tăng cao và ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ bất thường gây ra trong vụ đông xuân, thời điểm này, các địa phương cần tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung nhân lực, phương tiện tiến hành thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ đông xuân khi vừa chín tới, đảm bảo thu hoạch xong trước ngày 15/5 để kịp thời tổ chức sản xuất vụ hè thu đảm bảo thời vụ. Xử lý, vệ sinh đồng ruộng trên các diện tích bị mất trắng phải phá bỏ sớm và diện tích lúa bị ảnh hưởng có tận thu bằng vôi bột, chế phẩm phân hủy gốc rạ, cày vùi… để hạn chế ngộ độc hữu cơ, diệt trừ nguồn sâu bệnh.

Chuẩn bị đầy đủ các loại giống, phân bón, thuốc BVTV,... đảm bảo gieo cấy theo lịch thời vụ và cơ cấu giống của Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành. Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn (thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày khi gieo sạ), giống có năng suất và chất lượng cao. Tuyệt đối không cơ cấu giống lúa dài ngày, giống nhiễm nhiều đối tượng sâu bệnh như: P6, VN10, XI23, IR38,... vào sản xuất.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sepon Group đưa vào vận hành 4 lò sấy lúa

Tú Linh |

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) Hồ Xuân Hiếu cho biết, đơn vị vừa đưa vào vận hành 4 lò sấy lúa có công suất lớn tại Cụm công nghiệp Diên Sanh, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng.

Công ty điện gió hỗ trợ 32 hộ dân có ruộng lúa bị vùi lấp do mưa lũ

Hoàng Táo |

Ngày 8/5, ông Nguyễn Xuân Hạnh, Phó Giám đốc Nhà máy Điện gió Amaccao Quảng Trị thông tin, đơn vị đã chi trả hơn 190 triệu đồng cho 32 hộ dân bị vùi lấp ruộng lúa do mưa lũ đầu tháng 4/2022.

Gio Linh: Trên 1.250 ha lúa bị thiệt hại do mưa lớn

Trần Tuyền |

Ngày 3/5, Phòng NN&PTNT huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, mưa lớn kéo dài từ ngày 1-2/5 gây thiệt hại trên 1.250 ha lúa của người dân nhiều xã trên địa bàn.

Xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa

Lê An |

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Quảng Trị, tính đến thời điểm hiện tại ngoài 512 ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá thì bệnh đạo ôn cổ bông đã phát sinh, gây hại nhiều nơi. Một số vùng bệnh đạo ôn cổ bông đã gây hại nặng như các xã Phong Bình, Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)… tỉ lệ bệnh nơi cao lên đến 70% – 80%.