Khốn đốn vì vay nợ 'tín dụng đen'

PV |

Nhiều người dân tại Tây Ninh đang lâm vào tình cảnh khốn đốn khi phải bỏ việc, lẩn trốn do bị khủng bố mỗi ngày, thậm chí còn bị đe dọa đến tính mạng vì trót vay “tín dụng đen” với lãi suất 120%/năm.

Những người vay tiền gần đây đã "tá hỏa" khi chủ nợ thông báo số tiền nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi số tiền vay gốc chỉ vài chục triệu đồng. Hoảng sợ, lo lắng, 9 người đã làm đơn tố cáo và cầu cứu gửi đến Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh với mong muốn bản thân và gia đình được an toàn.

Những ngày này, cuộc sống gia đình chị P.N.P (ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) bị đảo lộn khi liên tục phải nhận những lời đe dọa, khủng bố qua tin nhắn lẫn mạng xã hội. Lo sợ nguy hiểm, chị P. không dám ở nhà, cũng không dám đến công ty làm việc, phải gửi con cho bà ngoại trông coi, đi lẩn trốn khắp nơi.

  
Trước đây, chị P. làm công nhân tại một công ty thuộc xã Thanh Điền, huyện Châu Thành với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Chị P. kể, năm 2015, chị vay 15 triệu đồng của vợ chồng bà P.N.D và ông N.Q.M (cùng ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) với lãi suất 120%/năm (tức vay 15 triệu đồng, lãi 1,5 triệu đồng/tháng).

Bà D. giữ lại sổ Bảo hiểm xã hội và thẻ ATM của chị P. Mỗi tháng đến ngày nhận lương, bà D. tự rút 1,5 triệu đồng tiền lãi, số còn lại đưa lại chị P. Do quá ít, không đủ tiền chi tiêu gia đình, chị P. được bà D. nhiều lần cho vay thêm. Tổng cộng số tiền vay lên đến 30 triệu đồng, tiền lãi 3 triệu đồng/tháng.

Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty cho công nhân nghỉ việc khiến chị P. mất khả năng đóng lãi. Thời điểm này, chị P. choáng váng khi biết số tiền lãi bà D. cộng dồn lãi gộp gốc lên đến 200 triệu đồng. Lo lắng số tiền lãi càng tăng cao, chị P. bán nhà và trả được cho bà D. 80 triệu đồng và mỗi tháng vẫn đóng thêm khoản lãi 3 triệu đồng. Chị P. cho biết, lúc này, bà D. tự quy tiền nợ của chị P. thành tiền góp hụi với lý do để chị P. có điều kiện hốt hụi trả lại.

“Mỗi tháng, tôi phải gồng mình đóng khoản lãi vay, vừa bị bà D. tính thêm tiền nợ của dây hụi, rồi bà D. tính luôn cả lãi của số tiền đóng hụi. Sau đó, bà D. tự hốt hụi, tự cấn trừ các khoản tiền hụi, tự cắt tiền hoa hồng… nhưng thực chất không có dây hụi nào ở đây cả. Tôi chỉ nhận được tổng cộng khoảng 30 triệu đồng tiền vay từ ban đầu mà thôi”, chị P. rớt nước mắt nói.

Vài tháng gần đây, chị P. không dám đi làm nên không thể đóng lãi đều đặn. Những ngày vừa qua, chị P. liên tục bị khủng bố để đòi nợ. Chị "tá hỏa" khi chủ nợ thông báo con số vốn chồng lãi đã lên đến trên 400 triệu đồng.

Tình cảnh tương tự, anh T.T.T (ngụ thị xã Hòa Thành) cũng phải bỏ việc, trốn khỏi địa phương vì liên tục bị đe dọa đòi nợ. Anh T. cho biết, anh vay 30 triệu đồng của bà D. từ năm 2019 nhưng nay bỗng dưng thành 400 triệu đồng.

Anh T. kể, năm 2021, do dịch COVID-19 ảnh hưởng khiến anh không thể đóng lãi 3 triệu đồng/tháng. Sau đó, anh được bà D. quy ra thành dây hụi ảo. Đến nay, anh T. sống khốn đốn khi bị tính nợ gốc lẫn lãi lên đến 400 triệu đồng.

“Tôi không biết vợ chồng bà D. tính toán thế nào ra để gán cho tôi số nợ lớn đến như vậy”, anh T. buồn bã nói. Đáng nói, những ngày qua, anh T. và gia đình sống trong sợ hãi khi liên tục có người đe dọa giết, thậm chí tìm đến nhà đe dọa ba mẹ của T. để tạo áp lực trả nợ.

Chị N.T.K.H (cùng ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) đi làm với mức lương công nhân 6 triệu đồng/tháng. Khoảng 10 năm trước, chồng chị H. bị đau mắt không có tiền chữa trị nên chị vay của bà D. tổng cộng 30 triệu đồng. Làm bao nhiêu tiền, hai vợ chồng chị H. gồng mình đóng lãi. Thế nhưng, mỗi tháng bà D. tự rút 5 triệu trong tổng số 6 triệu đồng tiền lương của chị H. khiến hoàn cảnh gia đình khánh kiệt. Hiện, chị H. bị gán tiền nợ, tiền hụi, tiền lãi cộng dồn lên 80 triệu đồng. Cả gia đình chồng, con đang bị dọa giết khiến chị luôn nơm nớp lo sợ, bỏ hết công việc.

Không chịu đựng nổi áp lực bị khủng bố đòi nợ, bị dọa giết và những khoản lãi cao đến mức vô lý, 9 người làm đơn tố cáo vợ chồng bà D. và kêu cứu gửi đến Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Liên quan đến vụ việc, đại diện lãnh đạo Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh xác nhận, hiện đơn vị này đã tiếp nhận đơn, thụ lý tin báo tố giác tội phạm của bà H. gửi kèm theo đơn tố giác một số người khác. Do mới nhận được đơn tố giác, Công an huyện Châu Thành vẫn chưa làm việc cụ thể đối với từng công dân liên quan để xác minh, làm rõ vụ việc. Sau khi có kết quả điều tra, Công an huyện Châu Thành sẽ thông báo đến những người dân có đơn để nắm rõ vụ việc; đồng thời xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

(Nguồn: Ngày nay)

TAGS

136 công nhân đăng ký vay vốn làm nhà ngay tại nơi tư vấn

Mai Lâm |

Ngày 25/3, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Trị phối hợp Công ty May Hòa Thọ - Đông Hà tổ chức tư vấn, hướng dẫn về chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (Nghị định 100) của Chính phủ cho công nhân lao động đang làm việc tại công ty.

Lập đường dây nóng xử lý ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn

HL |

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời bảo đảm việc tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo các TCTD về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm.

Hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi tại thị xã Quảng Trị

Ngọc Lan |

Công tác xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Giải quyết tình trạng đói nghèo chính là quá trình thực hiện công bằng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội cùng phát triển.

Hỗ trợ hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở

Mỹ Hằng |

Triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 (Nghị định số 28), thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, giải ngân vốn kịp thời đến đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; giúp họ có điều kiện xây dựng, sửa chữa lại nhà ở để an cư, lạc nghiệp.