Kinh tế Quảng Trị: Liên kết, hội tụ và phát triển

Hồ Nguyên Kha |

Năm 2020, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị thu ngân sách đạt hơn 3.600 tỉ đồng. Đây là tín hiệu lạc quan dự báo nền kinh tế của tỉnh sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo. Niềm tin ấy là có cơ sở một khi năng lượng tái tạo trở thành “bệ đỡ” về thu ngân sách và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang được khởi động tích cực để thu hút đầu tư vào địa bàn.

“Trung tâm năng lượng liên vùng năng động và có trách nhiệm”

Đây chính là thông điệp mà Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nêu ra tại Hội nghị kết nối và phát triển năng lượng khí tại tỉnh Quảng Trị được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/3/2021 có sự tham gia của Công ty Eni Việt Nam (Italia). Qua đó thể hiện khát vọng phát triển và sự cam kết của chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn sẵn sàng đồng hành với các công ty đầu tư vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Đặc biệt là các lợi thế, điều kiện pháp lý, tính sẵn sàng của địa phương trong việc kết nối và phát triển mỏ Kèn Bầu, hy vọng tạo ra bước đột phá cho tỉnh Quảng Trị. Cũng tại diễn đàn này, Giám đốc điều hành Công ty Eni Việt Nam Luca Dragonetti cho biết, hiện công ty đã có kết quả hai giếng vừa khoan cho thấy Kèn Bầu có trữ lượng khí tốt và mong muốn được hợp tác với tỉnh Quảng Trị trong lĩnh vực phát triển điện khí mà trước hết là mỏ Kèn Bầu.

Điện mặt trời Gio Thành 1,2 đã hòa lưới điện quốc gia - Ảnh: H.N.K​
Điện mặt trời Gio Thành 1,2 đã hòa lưới điện quốc gia - Ảnh: H.N.K​

Thông điệp này càng được củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư bởi ngày 23/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị do Liên doanh VSIP-Amata-Sumitomo làm chủ đầu tư và kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Trị. Một sự kết nối liên hoàn trong tư duy và hành động thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của tỉnh Quảng Trị ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, để hiện thực hóa nghị quyết với khao khát, quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng của khu vực và cả nước, biến khó khăn thành lợi thế, trong đó ưu tiên phát triển điện khí, điện gió và điện mặt trời. Do đó, tỉnh Quảng Trị luôn chủ động mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn, những “con sếu đầu đàn” đủ tiềm lực, có thiện chí và trách nhiệm với Quảng Trị một khi tiềm năng đã được khai thông mà Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị chính là “sân chơi” đang rộng mở.

Ngày 25/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương hướng dẫn về nguồn khí cung cấp cho dự án, trong đó tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị gồm Kèn Bầu - Lô 114, Báo Vàng - Lô 113.​

Hiện tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có 3 dự án điện khí đang triển khai thủ tục đầu tư với tổng công suất 6.340MW sẵn sàng tiêu thụ khí Kèn Bầu khi tiếp bờ. Đó là nhà máy điện của Gazprom International của Nga công suất 340 MW, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng của Công ty cổ phần T&T công suất 4.500 MW; nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1- Quảng Trị của liên danh Công ty TNHH Tài Tâm và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và kinh doanh bất động sản Thăng Long công suất 1.500 MW. Trong đó, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là dự án lớn nhất tỉnh Quảng Trị từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp ngân sách rất lớn cho địa phương, hy vọng đây là một bước đột phá tạo đà tăng tốc cho nền kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh điện khí, tỉnh Quảng Trị quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, điện mặt trời. Hiện đã có 31 dự án điện gió được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.177 MW, trong đó có 22 dự án điện gió với tổng công suất hơn 907 MW có thể vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Do đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các dự án tập trung nguồn lực, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Lao Bảo - Đông Hà; dự án nâng tiết diện đường dây 110 kV Đông Hà-Lao Bảo hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm kế hoạch truyền tải điện. Với điện mặt trời đến nay đã có 3 dự án triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng với công suất gần 150 MW. Riêng nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1,2 mặc dù đầu năm 2021 mới phát điện lên lưới nhưng trong năm 2020 đã nộp ngân sách địa phương 20 tỉ đồng từ phí đầu tư; Nhà máy điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2 năm 2020 doanh thu đạt 257 tỉ đồng, nộp ngân sách 24 tỉ đồng và năm 2021 bình quân mỗi tháng nộp ngân sách hơn 4 tỉ đồng.

Khơi thông cảng biển và xúc tiến xây dựng cảng hàng không

Một góc cảng Cửa Việt - Ảnh: H.N.K​
Một góc cảng Cửa Việt - Ảnh: H.N.K​

Để tạo “bàn đạp” cho nền kinh tế phát triển thì hạ tầng giao thông phải là yếu tố tiên quyết. Vì vậy, để kinh tế phát triển thuận lợi, Quảng Trị đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và hệ thống hạ tầng logistics.

Cuối năm 2019, Dự án Bến cảng CFG Nam Cửa Việt được xây dựng tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong có quy mô 4 cầu cảng dài 510m, vốn đầu tư khoảng 640 tỉ đồng. Bến cảng đủ sức tiếp nhận tàu trên 5.000 DWT, có đầy đủ kho bãi lưu trữ trung chuyển hàng hóa là hạ tầng dịch vụ quan trọng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Trong đó, giai đoạn 1, đầu tư 2 cầu cảng phía hạ lưu, năng lực hàng hóa thông quan cảng khoảng 0,2 đến 0,5 triệu tấn/ năm; giai đoạn 2 đầu tư thêm 2 cầu cảng phía thượng lưu, năng lực thông quan cảng khoảng 1 triệu đến 1,4 triệu tấn/ năm. Như vậy ở hai bờ Cửa Việt ngoài cảng Hợp Thịnh ở phía Bắc đang hoạt động hiệu quả thì trong những năm tới khi cảng CFG đi vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực vận tải biển, thu hút các tàu vận tải trong và ngoài nước đến với cảng Cửa Việt, tạo điều kiện thông thương hàng hóa trên biển. Điều này khẳng định vị thế của cảng Cửa Việt có thể tiếp nhận tàu vận tải biển quốc tế với kích cỡ, trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa phục vụ xây dựng, khai thác các khu công nghiệp, khu kinh tế trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung nói chung... Được biết năm 2020 tổng lượng hàng hóa lưu thông qua cảng Cửa Việt đạt 12.500.000 tấn và trong quý I năm 2021 ước đạt khoảng 350.000 tấn. Chủng loại hàng hóa thông quan tại cảng Cửa Việt rất đa dạng về chủng loại, trong đó chủ yếu là hàng rời như dăm gỗ, than cám, thạch cao… và hàng bách hóa tổng hợp như nông sản, bao kiện, sắt thép, vật tư, thiết bị rắp ráp nhà máy điện gió. Ngoài ra còn có hàng hóa xuất nhập khẩu của các khu công nghiệp, khu kinh tế ở trong tỉnh và nguồn hàng quá cảnh của các nước Thái Lan, Lào chuyển qua đang mở ra cơ hội phát triển cho cảng Cửa Việt.

Ngày 6/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 447/TTg-CN do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký đồng ý giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư​

Ngày 25/3/2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Trị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trên cơ sở đó trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và giao cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án. Cảng hàng không Quảng Trị có chức năng sân bay dân dụng dùng chung quân sự quy mô cấp 4C (sân bay quân sự cấp II), công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm, diện tích sử dụng khoảng 316 ha tại huyện Gio Linh với tổng mức đầu tư khoảng 4.400 tỉ đồng.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Cảng hàng không Quảng Trị được định hướng là cảng hàng không nội địa nằm trong hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; công suất dự kiến đến năm 2030 là 1 triệu hành khách/ năm. Do vậy, việc chuẩn bị đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị là phù hợp với quy hoạch được phê duyệt cũng như định hướng phát triển trong tổng thể quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Cảng hàng không Quảng Trị là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng- an ninh, kiểm soát các vùng biên giới, các đảo, quần đảo khu vực miền Trung và vịnh Bắc Bộ, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông.

Với tầm nhìn “giao thông đi trước một bước”, ngoài hàng không và cảng biển, tỉnh Quảng Trị đang triển khai thực hiện dự án đường ven biển Quảng Trị đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình đến Nam cầu Cửa Việt dài khoảng 40 km bằng ngân sách trung ương nhằm khai thác tiềm năng phát triển dịch vụ-du lịch và đô thị ven biển Quảng Trị hay Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 92 km đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Việc hình thành tuyến đường này có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo thêm trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như kết nối đường cao tốc Bắc - Nam và hai nhánh Đông-Tây đường Hồ Chí Minh nhằm tăng cường việc giao thương hàng hóa khu vực Bắc Trung Bộ và ven biển miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan. Dự án Quốc lộ 15D được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cam kết thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương xây dựng trục đường trung tâm về biển dài 11,3 km có điểm bắt đầu từ ga Đông Hà về Cửa Việt giao với điểm đầu đường ven biển qua Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Với con đường này sẽ đưa thành phố Đông Hà tiến gần về biển để kết nối, khai thác tiềm năng kinh tế biển và hình thành nên trục giao thông kết nối với Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đặc biệt là việc hình thành Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ kéo theo các dự án động lực như xây dựng cảng Mỹ Thủy để nhập khí; hình thành cụm công nghiệp khí để xuất đến thị trường ASEAN qua đường Cửa khẩu quốc tế La Lay, thúc đẩy hoàn thành sớm Quốc lộ 15D, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển tại Quảng Trị. Một khi các dự án sớm được triển khai sẽ tạo cho Quảng Trị một hệ thống giao thông đồng bộ gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển nhưng trước hết tỉnh mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ngành trung ương, Chính phủ để sớm khởi công xây dựng các dự án trọng điểm này nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, thúc đẩy địa phương phát triển.

Liên kết, hội tụ và tầm nhìn phát triển

Đây là những cụm từ mà Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng rất tâm đắc và sử dụng nhiều lần khi làm việc với chúng tôi về kế hoạch triển khai những dự án động lực trên địa bàn tỉnh. Trước hết phải hiểu nội hàm của khái niệm hội tụ đó không chỉ là sự quy tụ về không gian địa lý mà phải là sự gặp gỡ về ý tưởng cùng nhìn về một hướng trong tư duy phát triển. Một khi đã hội tụ được tâm sức, trí tuệ, chủ trương, chính sách ắt sẽ tạo ra sự liên kết bền vững trong kiến tạo và dựng xây. Hơn lúc nào hết, “cơ hội vàng” đã đến với Quảng Trị bởi địa phương đang nhận được sự ủng hộ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; sự quan tâm đầy thiện chí của các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.

Trong tâm thế tràn đầy nhiệt huyết và tự tin, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng vẫn trăn trở băn khoăn về những khó khăn, bất cập của tỉnh nhà. Đó là công tác quy hoạch chiến lược chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng còn manh mún, thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ, chuyên gia của tỉnh đang còn thiếu và chưa được đào tạo chuyên sâu, đúng chuyên ngành nên luôn gặp khó khăn trước những vấn đề phức tạp…Vậy nhưng khi “lòng tin chiến lược” đã được xây đắp thì tỉnh Quảng Trị cần phải tập trung tháo gỡ từng “nút thắt”, “điểm nghẽn” để tạo dựng một “hành lang” thông thoáng, kết nối những ý tưởng táo bạo trong chiến lược phát triển. Một khi đã hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì Quảng Trị sẽ trở thành một địa bàn hấp dẫn đối với nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tự tin khẳng định như thế.

(Nguồn: baoquangtri)

TAGS

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị trao giấy chứng nhận đầu tư

Tạ Hưng |

Ngày 31/3, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị ở địa bàn huyện Hải Lăng thuộc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Đà Nẵng cần cơ chế đặc thù để trở thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực

Long Tường |

Bộ Chính trị xác định xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển.

Chuyển đổi số - 'chìa khóa' phát triển kinh tế, xã hội ở Đà Nẵng

Võ Văn Dũng |

Thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng kỹ thuật số, nhân lực số, an toàn an ninh mạng - các yếu tố hỗ trợ đồng thời là động lực thúc đẩy chuyển đổi số.

Gio Linh khởi sắc từ kinh tế biển

Nguyên Bảo |

Với đường bờ biển dài, bãi tắm đẹp, tập trung nhiều tàu thuyền khai thác hải sản, kinh tế biển hiện đang là thế mạnh của huyện Gio Linh (Quảng Trị). Huyện Gio Linh đã có nhiều khởi động trên các lĩnh vực du lịch, đánh bắt thủy hải sản và kêu gọi đầu tư đang tạo đà cho một năm với những khởi sắc mới từ kinh tế biển. Địa phương đã và đang có chiến lược quan trọng nhằm từng bước khai thác phát huy tốt tiềm năng và lợi thế từ biển phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.