Cập nhật lúc 18h ngày 5/7, Việt Nam có thêm 527 ca mắc COVID-19, TP.HCM vẫn nhiều nhất với 270 ca. Tổng số ca mắc trong ngày của Việt Nam là 1.102 ca.
Tính từ 12h30 đến 19h ngày 5/7, Việt Nam ghi nhận thêm 527 ca mắc mới, gồm 13 ca nhập cảnh và 514 ca trong nước.
Số ca ghi nhận trong nước gồm TP.HCM có 270 ca; Bình Dương có 114 ca; Đồng Tháp có 62 ca; Tiền Giang có 11 ca; Phú Yên có 11 ca; Khánh Hòa có 10 ca; Đồng Nai có 8 ca; An Giang có 6 ca; Bình Phước có 4 ca; Bà Rịa - Vũng Tàu có 4 ca; Bình Định, Tây Ninh, Bắc Giang mỗi tỉnh có 3 ca; Quảng Ngãi có 2 ca; Bắc Ninh, Nghệ An, Lâm Đồng mỗi tỉnh có 1 ca.Trong số 514 ca trong nước này chỉ có 482 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy trong ngày 5/7, Việt Nam có tổng cộng 1.102 ca mắc mới, gồm 13 ca nhập cảnh và 1.089 ca trong nước.
Cụ thể, TP.HCM có 641 ca, nâng tổng số ca mắc từ ngày 27/4 đến nay lên 6.675 ca. Bắc Giang có 7 ca, tổng số ca mắc tại tỉnh này là 5.638 ca. Bắc Ninh có 4 ca, nâng tổng số ca mắc lên 1.646 ca.
Những tỉnh có số ca mắc tăng cao trong hôm nay là Đồng Tháp có 165 ca, Bình Dương có 131 ca, Phú Yên có 40 ca, Khánh Hòa có 18 ca, Long An có 12 ca, Tiền Giang có 11 ca.
Ngoài ra, Hưng Yên có 9 ca; Đồng Nai có 9 ca; Quảng Ngãi, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi tỉnh có 4 ca; Vĩnh Long, Bình Định, Tây Ninh mỗi tỉnh có 3 ca; Hà Tĩnh có 2 ca; Lạng Sơn, Sóc Trăng, Nghệ An và Lâm Đồng mỗi tỉnh có 1 ca.
Về tình hình điều trị, trong ngày hôm nay có 203 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Tình hình COVID-19 trên thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 18h00 ngày 5/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 184,661 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 3,995 triệu ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 325.245 ca mắc mới và 5.877 ca tử vong. Châu Á là khu vực ghi nhận số ca mắc mới và tử vong nhiều nhất, với 146.190 ca và 2.313 ca. Tại khu vực này, Ấn Độ và Indonesia tiếp tục là điểm nóng, ghi nhận số ca mắc mới lần lượt là 40.387 ca và 27.233 ca.
Gần 8.000 du khách nước ngoài xin giấy chứng nhận nhập cảnh để đến Phuket
Truyền thông Thái Lan ngày 5/7 đưa tin, kể từ khi chương trình "Hộp cát Phuket" bắt đầu, 7.890 khách du lịch nước ngoài đã nộp đơn xin Giấy chứng nhận nhập cảnh (CoE) thông qua các đại sứ quán và lãnh sự quán Thái Lan trên khắp thế giới.
Cụ thể, "Hộp cát Phuket" là một thử nghiệm nằm trong kế hoạch mở cửa trở lại du lịch đầy tham vọng của Thái Lan. Quốc gia Đông Nam Á này đã lên kế hoạch từng bước mở cửa lại đất nước cho khách du lịch nước ngoài, bắt đầu với Phuket và sau đó sẽ mở rộng sang các điểm du lịch khác, cuối cùng là hiện thực hóa mục tiêu mở cửa trở lại đất nước vào tháng 10 tới.
Để đảm bảo kiểm soát dịch COVID-19, Thái Lan đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đối với việc mở cửa trở lại Phuket. Trước khi lên máy bay đến Thái Lan, du khách phải có đủ 5 loại giấy tờ, gồm chứng nhận nhập cảnh (CoE), giấy chứng nhận y tế xác nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 không quá 72 giờ trước chuyến bay (trừ trẻ em dưới 6 tuổi), bảo hiểm COVID-19 có hạn mức chi trả ít nhất 100.000 USD, bằng chứng thanh toán tiền ăn ở và xét nghiệm COVID-19 và giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa COVID-19 đủ liều ít nhất 14 ngày trước.
Thái Lan ngày 5/7 ghi nhận thêm 6.166 ca mắc COVID-19 và 50 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu mùa dịch tới nay lên 289.233 bệnh nhân, trong đó có 2.276 người không qua khỏi.
Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao
Theo thông cáo trưa 5/7 của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 896 ca mắc COVID-19, trong đó có 210 ca nhập cảnh và 686 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 55.187 ca, bỏ xa con số 500 ca từ hai lần bùng dịch năm ngoái.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng tồi tệ khi tổng số ca tử vong vì đại dịch đã lên tới 748 người (thêm 28 người tử vong trong 24 giờ qua) và từ hai tuần trở lại đây, số người tử vong vì COVID-19 liên tục tăng nhanh đáng lo ngại.
Campuchia có vẻ đang trong tình huống tồi tệ nhất vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 4/2021 khi chính quyền lần đầu tiên phong tỏa thủ đô Phnom Penh, đến nay giới chức nước này chưa có thêm biện pháp mạnh tay nào tương tự để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong khi đó, ổ dịch các khu chợ ở Phnom Penh lại bùng lên cho dù đa phần người dân sinh sống tại thủ đô đã được tiêm phòng COVID-19.
Tính đến 4/7, 7,81 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở Campuchia với 4,53 triệu người được tiêm 1 liều và 3,28 triệu người được tiêm đầy đủ 2 liều. Campuchia dự kiến tiêm cho ít nhất 10 trong số 16 triệu dân trước tháng 11 tới.
(Nguồn: Phụ Nữ mới)