Ngày 5/2/2023, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đồng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, các đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.
Đây là hội nghị được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW mà còn cụ thể hóa nghị quyết bằng các nguồn lực triển khai thực hiện cụ thể thông qua hình thức xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị cũng đã diễn ra Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững” nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất, con người và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, khắc họa những nét đẹp tiêu biểu tình yêu quê hương, đất nước thông qua các hình ảnh về sản xuất, đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của Vùng.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển.
Để triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết này.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.
Nghị quyết số 26-NQ/TW đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường…
Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng nhằm thể hiện được định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong Vùng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt các mục tiêu đề ra.
Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại…
Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể; đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW sẽ góp phần quan trọng tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và đổi mới tư duy của các các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, từ đó tạo sự thống nhất trong hành động, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Cùng với đó, việc Hội nghị Xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh của toàn Vùng. Đây chính là những hành động cụ thể, điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW được hiện thực hóa.
Tại Hội nghị, các báo cáo và ý kiến tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Nghị quyết 26-NQ/TW, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để triển khai Nghị quyết 26 và Chương trình hành động của Chính phủ, từ đó khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đạt được các mục tiêu.
Các đại biểu khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Vùng.
Các đại biểu tập trung phân tích các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông, logistics, kinh tế biển, các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các loại hình du lịch và dịch vụ gắn với biển, di tích văn hóa, lịch sử của Vùng, huy động nguồn lực, chuyển đổi số;
Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy các đột phá phát triển của các địa phương trong vùng như: Phát triển khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), đẩy mạnh hành lang kinh tế Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; phát triển du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tầm khu vực và quốc tế; xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung; phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; phát triển Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng; phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam); "Hành lang Kinh tế Đông Tây - thành tố quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế Vùng"…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện thêm chương trình, kế hoạch và nâng cao hiệu quả, tính khả thi trong việc xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển vùng, các địa phương trong Vùng.
Thống nhất với các báo cáo và ý kiến phát biểu, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng trong cả nước và một số lĩnh vực có thể so với khu vực và thế giới, như các di sản được UNESCO công nhận.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng trước hết yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, tinh thần là giao các đồng chí lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều phối các vùng.
Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững. Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế.
Hình thành các cụm liên kết ngành liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh. Tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu (giao thông, năng lượng, công nghệ số, đô thị, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, dịch vụ…).
Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Cơ cấu lại ngành công nghiệp, quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, Hành lang Kinh tế Đông - Tây, các tuyến quốc lộ kết nối với Tây Nguyên. Trọng tâm là phát triển công nghiệp hàm lượng công nghệ cao, các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo đột phá hình thành năng lực sản xuất mới.
Đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, liên kết, giá trị gia tăng, sinh thái, đặc hữu; thích ứng hiệu quả với thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu; gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch. Phát triển ngành lâm nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, gắn với phát triển, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển; hình thành các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Thúc đẩy phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, dịch vụ mới; hình thành các trung tâm logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Phát triển các trung tâm du lịch tầm vóc khu vực và quốc tế, chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng, bản sắc độc đáo riêng của Vùng.
Thứ tư, phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành ba tiểu vùng đô thị hóa với các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với cảng biển, đường sắt kết nối với Tây Nguyên, trong đó có tuyến Kon Tum - Gia Lai - Bình Định, Lâm Đồng - Ninh Thuận. Nâng cấp, nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không, cảng biển.
Thứ năm, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo, đất và rừng. Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu phải được xem là một trọng tâm trong chiến lược phát triển Vùng.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo kịp thời, chính xác, bảo đảm hoạt động tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống. Tăng cường ý thức phòng, chống thiên tai, cảnh báo các nguy cơ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án ứng phó thiên tai.
Thứ sáu, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Tập trung phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững; rà soát lại, tập trung triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến cơ sở. Tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, là một khâu đột phá cho phát triển vùng. Phát huy tối đa nguồn lực con người; nâng cao năng suất lao động xã hội.
Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ. Phát huy giá trị văn hóa, di sản; chú trọng quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa tiêu biểu của Vùng.
Thứ bảy, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển, đảo, không để bị động, bất ngờ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội; xử lý kịp thời những vấn đề về an ninh, trật tự, không để phát sinh các điểm nóng. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong, ASEAN, các đối tác có thế mạnh về các ngành kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển...
Thứ tám, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Thủ tướng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, chuyên nghiệp cao, trong sạch, tận tuỵ, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển; trao giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư giữa các Bộ, tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với các đối tác, doanh nghiệp.
Trước giờ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khánh thành Triển lãm ảnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ "Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức; tham quan khu trưng bày nông sản và sản phẩm thủ công đặc trưng Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
(Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Trị)