Điều đáng nói là việc vay tiền qua app đã được các cơ quan báo chí phản ánh cảnh báo nhiều lần, nhưng các nạn nhân đều nói chưa biết.
Thời gian gần dây, nhiều người phản ánh về việc vay qua app núp bóng là tín dụng đen. Trong khi loại hình vay tiền rủi ro này đã được cảnh báo nhiều năm nay nhưng vẫn có nạn nhân mới.
Theo Pháp Luật TP.HCM, một số người bày tỏ sự chán nản khi vay qua app. Ban đầu họ vay tiền bình thường sau đó cứ đến kỳ hạn trả nợ là các app khác tự động xuất hiện mời gọi vay để trả nợ, kết quả là số app lên đến hơn 20 cái. Lấy tiền app này trả cho app kia để rồi số tiền gốc vay ban đầu có thể chỉ là 20 triệu đồng có khi lên đến gần 2 tỉ đồng. Những người này cũng phản ánh do bị khủng bố đòi nợ nên gia đình tan nát, mất hết bạn bè, người thân.
Một trường hợp khác ở Tiền Giang cũng vay tiền qua app, chỉ cần vài thủ tục đơn giản, thực hiện nhanh chóng trên điện thoại và không cần đi gặp người vay nên đã vay qua vài app. Tuy nhiên khi trễ hẹn thì liên tục bị các đối tượng đòi nợ dọa nạt người thân, gia đình. Ngoài ra, họ đăng thông tin trên mạng xã hội Facebook tố lừa đảo.
Điều đáng nói là hầu hết nạn nhân đều không nắm được thông tin về những cảnh báo vay tiền qua app dù những chiêu thúc này đã được phản ánh và cảnh báo trước đó trên các phương tiện truyền thông.
Theo ông Phạm Nhất Anh Pha, chuyên gia tín dụng, vay tiền qua app bản chất là cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh.
Người vay khi vay qua app là những quảng cáo như vay tiền tiện lợi, thủ tục nhanh gọn, không cần chứng minh thu nhập.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý để kiểm soát tốt hơn hình thức cho vay này thì mỗi cá nhân cần tỉnh táo trước khi quyết định vay qua app.
(Nguồn: Phụ nữ mới)