Vừa qua, chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình trồng nấm sò của anh Phạm Văn Quân ở Khu phố 5, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà. Anh Quân vừa là cán bộ hội nông dân trẻ, nhiệt tình, năng động trong các phong trào phát triển kinh tế và hoạt động của hội, vừa là giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh có nhiều đổi mới trong hỗ trợ các thành viên, đưa hoạt động của HTX ngày càng phát triển.
Mô hình trồng nấm sò của gia đình anh Quân xây dựng trên diện tích 500 m2, được thiết kế bài bản, lắp hệ thống giàn tưới phun tự động, với 1 máy trộn nguyên liệu và đóng bịch nấm, 1 lò hấp thanh trùng, khử khuẩn và khu sân rộng là nơi xử lý các nguyên liệu để đóng bịch trồng nấm. Theo chia sẻ của anh Quân, năm 2018, anh được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức.

Thời gian đầu, anh chỉ đầu tư trồng từ 1.000 - 2.000 phôi nấm với vốn đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, thấy lượng nấm sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua, lại được giá, anh quyết định mở rộng diện tích, đầu tư trồng bài bản theo quy trình khép kín.
Bằng sự kiên trì, chịu khó, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, đến nay khu trại trồng nấm của anh có gần 60.000 phôi nấm. Bình quân một phôi nấm nặng từ 1-1,2 kg. Trung bình chi phí nguyên liệu mỗi phôi nấm khoảng 8.000 đồng. Thời gian từ đóng bịch nấm đến thời điểm cho thu hoạch khoảng 60 ngày.
Mỗi bịch nấm cho thu hoạch khoảng 6 -12 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 - 20 ngày, sản lượng đạt từ 400 g - 500 g nấm/bịch, giá mỗi bịch nấm 15.000 - 20.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi bịch nấm cho lợi nhuận từ 10.000 - 12.000 đồng. Giá nấm giao động từ 50.000 - 80.000 đồng/kg.
Mỗi năm, với 60.000 phôi nấm cho thu hoạch, bán ra, đem lại doanh thu hơn 1,2 tỉ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, cho lợi nhuận hơn 700 triệu đồng/năm. Sản phẩm nấm sò của anh luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng, sản xuất đến đâu có tư thương thu mua đến đó.
Điều đặc biệt là cứ sau mỗi đợt thu hoạch, gia đình anh Quân tái sử dụng các phôi nấm làm nguyên liệu phối trộn thành phân hữu cơ để trồng các loại rau, màu trên diện tích đất khoảng 750 m2, vừa tận dụng được nguyên liệu tại chỗ sau sản xuất, vừa tạo được nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình mỗi tháng từ 7-10 triệu đồng, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp ở vùng ven đô thị.
Bên cạnh đó, gia đình anh Quân còn canh tác 2,5 mẫu ruộng lúa với 2 vụ/năm, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ thu được từ 60 - 70 triệu đồng. Nhờ làm ăn hiệu quả, cuộc sống gia đình anh Quân ngày càng khá giả, tạo việc làm, thu nhập ổn định quanh năm cho 4 nhân công trong gia đình và những lúc cao điểm thuê thêm từ 3 - 5 lao động thời vụ để hỗ trợ.
Anh Hồ Xuân Huy, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thanh, TP. Đông Hà cho biết: Anh Quân là cán bộ hội, tham gia tích cực các hoạt động, phong trào thi đua của hội và địa phương tổ chức; là tấm gương nông dân điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, truyền cảm hứng cho nhiều nông dân học tập, làm theo.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)