Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại nấm mọc tự nhiên

Phú Hải |

Những tháng gần đây, thời tiết trên địa bàn Quảng Trị nóng ẩm, có mưa là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm hoang dại nảy nở, sinh sôi một cách tự nhiên ở khắp nơi và nhất là trên các vùng đồi núi, nương rẫy, rừng tràm. Trong số những loại nấm mọc tự nhiên ấy có nhiều loại được người dân hái để bán với giá khá cao và dùng làm thực phẩm trong gia đình. Nấm mọc tự nhiên có thể chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu, có giá trị dinh dưỡng cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm gây hệ lụy khôn lường...


Những năm qua, cứ vào mùa các loại nấm mọc tự nhiên bắt đầu nảy nở, sinh sôi cũng là lúc nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đi vào rừng, đồi núi, nương rẫy... hái nấm mưu sinh và dùng làm thực phẩm. Đặc biệt vừa qua, có thời điểm rất đông người dân rủ nhau đi hái nấm, chủ yếu là nấm tràm để bán và làm thực phẩm. Bình quân mỗi người đi hái nấm tràm có thể cho thu nhập hàng trăm nghìn đồng/ngày nên thu hút nhiều người tham gia.

Trong môi trường tự nhiên, bên cạnh các khu vực mọc nhiều nấm tràm, nấm mối còn có nhiều loại nấm độc mọc tự nhiên, xen kẽ dễ gây nhầm lẫn nếu không có kinh nghiệm, hiểu biết. Theo các tài liệu nghiên cứu cho biết, hiện nay trên thế giới có hơn 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có khoảng 100 loài nấm độc.

Một số loại nấm thuộc loại không độc, chẳng hạn như nấm tràm nhưng nếu mọc ở môi trường bị ô nhiễm hoặc tầng đất bên dưới có những khoáng chất độc hại và nếu dùng loại nấm này để chế biến món ăn cũng có thể gây ngộ độc - Ảnh: N.B
Một số loại nấm thuộc loại không độc, chẳng hạn như nấm tràm nhưng nếu mọc ở môi trường bị ô nhiễm hoặc tầng đất bên dưới có những khoáng chất độc hại và nếu dùng loại nấm này để chế biến món ăn cũng có thể gây ngộ độc - Ảnh: N.B

Thông thường các loại nấm độc đều có màu sắc sặc sỡ, trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu đỏ hoặc nhiều màu pha tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân... khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra. Nấm độc khi hái thường có mùi hắc trong khi đó nấm ăn được sẽ có mùi thơm nhẹ hoặc không mùi. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm như: mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm và có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu. Các loại nấm độc này nếu đem chế biến, đun nấu ở nhiệt độ 200 độ C, độc tố vẫn bền vững không bị phá hủy nên khi ăn phải sẽ gây ngộ độc.

Bên cạnh đó, vẫn có một số loài nấm độc có hình dáng, màu sắc khá giống nấm không độc, mọc lẫn với nấm ăn được, khiến người đi hái nấm rất dễ bị nhầm. Và thực tế ở trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do thiếu kiến thức và không biết phân biệt được loại nấm nào ăn được, loại nấm nào là nấm độc.

Không những thế, một số loại nấm vốn thuộc loại không độc nhưng nếu mọc ở môi trường bị ô nhiễm hoặc tầng đất bên dưới có những khoáng chất độc hại như: phốt pho, thạch tín, thủy ngân... nếu dùng loại này chế biến món ăn cũng có thể gây ngộ độc. Ngoài ra, trong quá trình chế biến nấm thành các món ăn, nếu chế biến sai cách, không hợp vệ sinh, đựng đồ ăn chín có dính nấm sống, ăn vào cũng có thể gây ngộ độc. Vì thế, một số người ăn các loại nấm thông thường như nấm tràm, nấm mèo... vẫn có nguy cơ bị ngộ độc.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, bên cạnh những loại nấm không có độc thì trên địa bàn tỉnh thường gặp những loại nấm độc như: nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón, nấm độc ô tán trắng phiến xanh, nấm độc mũ khía nâu xám...

Đối với nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón có độc tính cao, tác động lên nguyên sinh chất tế bào, gây phá hủy tế bào, đặc biệt là tế bào gan gây suy gan cấp, có nguy cơ gây tử vong. Nấm độc ô tán trắng phiến xanh là loại nấm thuộc nhóm chất độc kích thích đường tiêu hóa dạ dày - ruột. Chất độc từ loại nấm này tác động nhanh chóng gây buồn nôn, ói mửa, đau bụng, chuột rút và tiêu chảy. Nấm độc mũ khía nâu xám có độc tố tác động lên hệ thần kinh phó giao cảm, gây các triệu chứng như: vã mồ hôi, khó thở, thở rít, mạch chậm, hôn mê, co giật.

Cách đây vài năm, tại huyện Vĩnh Linh đã từng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do dùng nấm khiến 5 người trong một gia đình nhập viện. Nguyên nhân ngộ độc được xác định là gia đình này đã hái nấm dại từ rừng cao su về chế biến thành món cháo dùng cho bữa ăn sáng. Loại nấm gây ra vụ ngộ độc này có hình dáng giống loại nấm ô tán trắng phiến xanh được hái khi còn búp nên nhầm tưởng là nấm mối. Vào cuối tháng 4/2023, hai em nhỏ ở huyện Đakrông dùng nấm mọc ngoài tự nhiên để nấu ăn và dẫn đến ngộ độc thực phẩm, phải nhờ sự can thiệp, trợ giúp kịp thời từ một trạm xá quân dân y trên địa bàn.

Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa, xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, nhỏ xen lẫn những ngày nắng và dịp cuối năm thường có không khí lạnh nên các loại nấm hoang dại vẫn còn tiếp tục nảy nở, sinh sôi. Nấm mọc nhiều trong tự nhiên sẽ tiếp tục đem lại nguồn thu khá cao cho người dân và là nguồn thực phẩm được nhiều người lựa chọn, ưa chuộng. Việc dùng nấm mọc tự nhiên làm thực phẩm sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng nêu trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hoàng Đình Ấn khuyến cáo: “Người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, bảo đảm ăn được mà không bị ngộ độc. Tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả như: mũ, phiến, cuống, vòng cuống và bao gốc, đặc biệt, những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.

Người dân không nên ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm độc. Ngoài ra, với cả loại nấm ăn được thì cũng nên sử dụng khi còn tươi, nếu để ôi thiu, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Khi nghi ngờ bị ngộ độc do ăn nấm cần gây nôn và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời”.

Trong thời gian tới, thiết nghĩ các ngành chức năng, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân, góp phần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do nấm gây ra.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chương trình OCOP góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thục Quyên |

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từng bước khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Đồng thời, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hai cháu bé ở Quảng Trị mắc bệnh Whitmore

Hoàng Dũng |

Hai cháu bé ở Quảng Trị nhiễm vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore) sau khi được điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Huế hiện có một trường hợp đã ra viện.

Trồng thành công nấm dược liệu linh chi đỏ

Nguyễn Trang |

Nấm dược liệu linh chi đỏ là loại đối tượng trồng chưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhưng từ một số mô hình thử nghiệm trồng quy mô tập trung đã cho thấy giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cơ sở trồng nấm linh chi đỏ của hộ anh Trần Văn Linh ở thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.

Triển vọng từ trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng

Nam Phương |

Đầu tháng 6/2023, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát phối hợp với Công ty TNHH Minh Khánh (tỉnh Gia Lai) lần đầu tiên triển khai mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng (keo lai) và rừng tự nhiên tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Tri). Các đơn vị đã trồng thử nghiệm 2.000 phôi nấm trên diện tích 500 m2.