Nấm dược liệu linh chi đỏ là loại đối tượng trồng chưa phổ biến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhưng từ một số mô hình thử nghiệm trồng quy mô tập trung đã cho thấy giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cơ sở trồng nấm linh chi đỏ của hộ anh Trần Văn Linh ở thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.
Sau hơn 3 năm học hỏi nhiều nơi về kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nấm dược liệu linh chi đỏ và bước đầu áp dụng, đưa vào trồng với số lượng ít, đến năm 2010, anh Trần Văn Linh mới dần mở rộng quy mô cơ sở trồng nấm lên 9.000 m2. Từ nguồn nguyên liệu, giống nhập đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, chế biến nấm đều được anh Linh đầu tư đảm bảo.
Về quy trình sản xuất, nguyên liệu chính là mùn cưa thu mua trực tiếp ngay trên địa bàn, sau khi xử lý sẽ được đóng bịch, thanh trùng, tiếp theo cấy giống nấm linh chi đỏ cấp 2, ươm sợi. Qua thời gian chăm sóc gần 4 tháng sẽ cho thu hoạch nấm tươi. Nấm tươi tiếp tục được sấy khô, đóng gói cho ra thành phẩm.
Nói về kinh nghiệm trồng nấm linh chi đỏ, anh Linh cho biết: “Trồng loại nấm dược liệu này khó hơn các loại nấm dùng làm thực phẩm thông thường như nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm mỡ... Trước hết cần nguồn vốn tương đối lớn, như cơ sở của gia đình tôi đã đầu tư gần 2 tỉ đồng để xây dựng khu vực ươm nấm, trồng nấm.
Thêm nữa cần chú ý nắm bắt về kỹ thuật chăm sóc, phải tạo môi trường thoáng, sạch, duy trì nhiệt độ phù hợp nhất để nấm có thể phát triển ổn định. Thời gian từ trồng đến cho thu hoạch của nấm linh chi dài hơn gấp 2 - 3 lần những loại nấm khác, nhưng bù lại giá bán của nấm dược liệu linh chi đỏ lại cao gấp 20 - 30 lần, có thời điểm cao hơn đến 40 lần so các loại nấm thông thường. Quan trọng hơn nữa là thị trường đầu ra của sản phẩm ổn định do nhu cầu khách hàng sử dụng nấm linh chi đỏ với mục đích bảo vệ, tăng cường sức khỏe ngày càng cao”.
Đến nay, mỗi năm gia đình anh Linh nhập khoảng 200 tấn nguyên liệu, sản xuất 3 tạ khô nấm linh chi đỏ. Sản phẩm đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đánh giá đạt về trọng lượng, tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ một phần. Ngoài ra anh Linh xuất bán nấm đến các đại lý tại nhiều tỉnh, thành phố như Huế, Đà Nẵng, Bình Dương...
Với giá bán lẻ 1 triệu đồng/kg nấm linh chi khô, mỗi năm mô hình đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Cơ sở sản xuất nấm của anh Linh cũng góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Từ hiệu quả của mô hình, thời gian tới, anh Linh dự định sẽ mở rộng, đầu tư thêm vào khu chế biến, sản xuất nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường về sản phẩm nấm linh chi đỏ.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết cho biết thêm: “Nấm dược liệu linh chi đỏ của hộ anh Trần Văn Linh được UBND xã Vĩnh Sơn chọn làm sản phẩm tiêu biểu trong chuỗi sản xuất của địa phương.
Tháng 4/2024, anh được hỗ trợ kinh phí thực hiện chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia về thực hành nông nghiệp tốt trong lĩnh vực trồng trọt theo VietGAP. Đặc biệt, nấm linh chi đỏ cũng đã được công nhận là 1 trong 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Vĩnh Linh năm 2024”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)