Tăng cường quản lý, giám sát thức ăn đường phố

Tú Linh |

 

Liên tiếp nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian gần đây trên cả nước gây lo ngại trong Nhân dân. Điển hình ngày 30/4, tại tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 500 người phải điều trị, theo dõi sau khi ăn bánh mỳ. Ngày 2/5, tại TP. Hồ Chí Minh lại xảy ra vụ 15 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sushi trước cổng trường. Điểm chung cả hai vụ này được cơ quan chức năng xác định đều liên quan đến thức ăn đường phố. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng.

 

Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 2.100 người mắc, trong đó có 28 người tử vong, tăng so với năm 2022. Đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước liên tiếp ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, đe dọa đến sức khỏe con người.

Tại Quảng Trị, câu chuyện 23 học sinh của Trường Tiểu học và THCS Cam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ bị ngộ độc thực phẩm hồi đầu tháng 4/2024 với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt vẫn còn khiến nhiều người lo lắng. Sau khi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh gửi các mẫu phẩm đi xét nghiệm, kết luận đây là vụ ngộ độc thực phẩm nhưng chưa xác định được nguyên nhân.

Câu chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm từ thức ăn đường phố, bán hàng rong luôn là mối quan tâm, lo ngại nhất của người tiêu dùng. Không khó để nhận ra trên địa bàn tỉnh từ thành phố về nông thôn, nhất là tại TP. Đông Hà và các thị trấn, thức ăn, nước uống bày bán hai bên đường luôn tấp nập, hàng hóa phong phú, đủ loại đã được chế biến sẵn, bắt mắt như: bánh mì, bánh tráng trộn, bún thịt nướng, chân gà, ốc hút, bún xào nghệ, xôi, bánh ướt, cháo các loại...

Người tiêu dùng các quán này chủ yếu là học sinh, sinh viên, lao động đủ ngành nghề. Lợi thế lớn nhất của thực phẩm đường phố là khá rẻ, phục vụ nhanh và tiện lợi, phù hợp với khẩu vị nhiều người. Ngoài các quán cố định bán thức ăn thì những người bán hàng rong cũng là lực lượng cung cấp thức ăn đường phố với số lượng thực phẩm không ít. Dù bán cố định ở hàng quán hai bên đường hay hàng rong, thì dịch vụ ăn uống này luôn tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dễ ngộ độc.

Có thể người bán hàng có ý thức rất tốt trong chế biến, bảo quản thức ăn nhưng không phải ai cũng bảo vệ được thức ăn mình làm ra luôn đảm bảo vệ sinh. Nhất là mùa hè nắng oi bức, gió Lào thổi mang bụi bặm bay khắp nơi thì người bán có cẩn thận đến bao nhiêu nữa cũng không thể đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh cho thực phẩm đang bày bán.

Chưa kể về mặt khoa học, các chuyên gia về công nghệ sinh học và thực phẩm khuyến cáo, thời điểm mùa hè, thời tiết càng nóng ẩm, nhiệt độ càng cao thì vi sinh vật và vi khuẩn có hại càng phát triển nhanh khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng. Khi xâm nhập vào thực phẩm, vi khuẩn phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn, sinh ra chất độc gây ngộ độc.

Đối với những thực phẩm khi đã nhiễm độc tố, mặc dù đun sôi ở nhiệt độ cao các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố chúng sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc. Các loại thực phẩm như: hải sản, thịt, trứng, sữa, cá, giò lụa, pate... là môi trường giàu dinh dưỡng để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát sinh độc tố. Đáng lưu ý khi nhiệt độ từ hơn 37 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp ba lần so với thời tiết bình thường.

Vì vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa hè càng cao hơn, nhóm tuổi dễ ngộ độc nhất chính là trẻ em và người lớn tuổi. Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng nên hạn chế ăn thức ăn đường phố, thức ăn bán dọc các đường làng, ngõ xóm.

Nếu sử dụng thức ăn đường phố cần phải lựa chọn cơ sở uy tín, người bán hàng đeo khẩu trang, bao tay, có tủ kính, nắp đậy để tránh côn trùng, bụi bẩn. Chọn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Cùng với đó cần thay đổi hành vi, thói quen không sử dụng thực phẩm chưa rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, mới chỉ hành động của người tiêu dùng là chưa đủ để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm đang có xu hướng tăng, trong vấn đề này cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của cơ quan chức năng.

Vụ ngộ độc thực phẩm ở tỉnh Đồng Nai làm hơn 500 người phải điều trị, theo dõi là một ví dụ về sơ hở trong quản lý. Tiệm bánh mỳ này mặc dù bán mỗi ngày đến 1.000 ổ mỳ nhưng không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ Khu phố 2, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh, nơi bán bánh mỳ hằng ngày. Chủ tiệm sử dụng giấy phép kinh doanh được cơ quan chức năng cấp cho con gái tại địa chỉ ở nơi khác. Khi cơ quan chức năng phát hiện ra hành vi này của chủ tiệm bánh mỳ thì chuyện đáng tiếc cũng đã xảy ra.

Nhà nước đã có nhiều quy định rất chặt chẽ đối với người kinh doanh thực phẩm như: tối thiểu người kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện ký cam kết với cơ quan có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn; giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe; phải có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào để chế biến thực phẩm...

Trước những vụ ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra từ đầu năm 2024 đến nay, ngày 3/5/2024, Thủ tướng Chính phủ có công điện khẩn cấp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...

Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn cần có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố. Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Vì vậy, để hạn chế thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là thời gian trong mùa hè được dự báo nắng nóng kỷ lục này, ngoài việc người dân cần “ăn chín, uống sôi” thì cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý. Có như vậy thì sức khỏe của cộng đồng mới được bảo vệ tốt hơn trước những thực phẩm đường phố đang tràn lan, không rõ nguồn gốc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Học sinh cẩn trọng với thức ăn, đồ chơi lạ

Vân Phong |

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị Hoàng Đình Ấn xác nhận, vừa có kết quả điều tra vụ 23 học sinh ở huyện Cam Lộ bị ngộ độc.

Chủ cơ sở nấu ăn lưu động gây ngộ độc thức ăn sau tiệc cưới bị phạt 22,5 triệu đồng

Vân Phong |

Ngày 7/6, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị cho biết, đơn vị đã quyết định xử phạt bà Trần Thị Cúc (trú thôn Phương An, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong) 22,5 triệu đồng vì vi phạm quy định an toàn thực phẩm.

Kết luận nguyên nhân vụ ngộ độc thức ăn sau tiệc cưới

Vân Phong |

Hôm nay 1/6, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Trị cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm vừa có kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại thôn Thượng Phú Phường, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong.

Vụ cháu bé tử vong do sặc thức ăn: Gia đình không được xem trích xuất camera

PV |

Vụ việc học sinh Nguyễn Văn Minh (5 tuổi) tử vong tại lớp Lá 1 trường Mẫu giáo Nguyễn Văn Dương (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã khiến cho dư luận bàng hoàng.