Các nhà khoa học Viện Hàn Lâm Khoa học-Công nghệ Việt Nam vừa nghiên cứu điều chế ra các phức chất platin (II) có hoạt tính gây độc hiệu quả đối với tế bào ung thư, có tiềm năng chữa trị ung thư.
Các nhà khoa học của Viện Hóa Học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa nghiên cứu điều chế ra các phức chất platin (II) có hoạt tính gây độc hiệu quả đối với tế bào ung thư, có tiềm năng ứng dụng trong việc chữa trị ung thư ở Việt Nam.
Cụ thể, Đề tài "Nghiên cứu tổng hợp, đánh giá đặc trưng và hoạt tính kháng ung thư in vitro của một số phức Pt(II) với phối tử bazơ Schiff N2O2 quang hoạt" - mã số VAST04.01/17-18 do các các nhà nghiên cứu của Viện Hóa Học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam, thực hiện và do Tiến sỹ Nguyễn Quang Trung làm Chủ nhiệm, đã được Hội đồng Khoa học nghiệm thu đánh giá cao, xếp loại xuất sắc.
Tiến sỹ Nguyễn Quang Trung thuộc Viện Hóa Học, Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam cho biết hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng, tuy các nhà khoa học đã có nhiều cố gắng trong việc điều chế thuốc chống ung thư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, tỷ lệ tử vong do ung thư còn cao.
Trong tình hình ấy, các nhà hóa sinh vô cơ cũng đã quan tâm nghiên cứu nhằm điều chế ra những hoạt chất kháng ung thư hiệu quả cao, có thể dùng làm thuốc trị ung thư, cải thiện và kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã tổng hợp được các 22 phức chất platin (II) dạng bột vàng với hiệu xuất khá cao (70%).
Từ các kết quả điều chế 22 phức chất này, các nhà khoa học của Viện Hóa Học cũng đã nghiên cứu về độc tính tế bào của chúng đối với các dòng tế bào ung thư ở người, chủ yếu là với dòng tế bào ung biểu mô và ung thư vú. Kết quả cho thấy, hầu hết các phức chất thu được đều có hoạt tính khá tốt với các dòng tế bào ung thư được nghiên cứu.
Các kết quả nghiên cứu này đã củng cố và phát triển hướng nghiên cứu hóa sinh vô cơ ở Việt Nam, góp phần nâng cao kỹ năng tổng hợp các phối tử và phức chất cho các nhà nghiên cứu, cũng như góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu về tính chất hóa lý sinh của các phức chất platin, nhất là hoạt tính gây độc đối với tế bào ung thư.
Từ kết quả nghiên cứu này, Viện Hóa Học đã công bố 3 công trình tại các tạp chí khoa học có uy tín ở trong và ngoài nước.
(Nguồn: TTXVN)