Từ ngày 11 - 20/7/2020, 04 Nghị định sau đây của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành, cụ thể:
1. Điều kiện doanh nghiệp được giảm mức đóng BHXH bắt buộc từ 15/7/2020
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 58/2020/NĐ-CP về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) được giảm tỷ lệ đóng vào quỹ TNLĐ, BNN từ 0.5% xuống còn 0.3% khi có các điều kiện sau:
- Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH;
- Thực hiện việc báo cáo định kỳ TNLĐ và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất;
- Tần suất TNLĐ của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất TNLĐ trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra TNLĐ tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
Nghị định 58/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
2. Thay đổi trong hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, bổ sung một số giấy tờ sau có thể sử dụng để xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trong hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động;
- Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc DN hoặc HTX giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp NLĐ là người quản lý DN, quản lý HTX;
Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì thực hiện theo quy trình tại Khoản 6 Điều 1 Nghị đinh 61/2020.
Nghị định 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
3. Chậm nhất là 15/6 phải gửi kế hoạch biên chế công chức hằng năm
Ngày 01/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức.
Theo đó, chậm nhất là ngày 15 tháng 6 hằng năm, các bộ, ngành, địa phương phải gửi hồ sơ kế hoạch biên chế công chức về Bộ Nội vụ để thẩm định.
(Hiện hành, theo Điều 9 Nghị định 21/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì mốc thời gian quy định là chậm nhất ngày 20/7 của năm trước liền kề).
Hồ sơ kế hoạch biên chế công chức hằng năm bao gồm:
+ Văn bản đề nghị kế hoạch biên chế công chức hằng năm;
+ Kế hoạch biên chế công chức hằng năm của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 11 Nghị định này;
+ Bản sao các văn bản của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt biên chế công chức của năm trước liền kề với năm kế hoạch.
Nghị định 62/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/7/2020.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội phải báo cáo tình hình chấp hành án 3 tháng/lần
Nội dung này được quy định tại Nghị định 55/2020/NĐ-CP về thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
Theo đó, định kỳ 03 tháng một lần, pháp nhân thương mại phạm tội phải thực hiện báo cáo cơ quan THA hình sự bằng văn bản về tình hình, kết quả chấp hành án (trừ trường hợp thời hạn chấp hành án dưới 03 tháng).
Trường hợp cần xác minh, làm rõ việc có liên quan đến thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự yêu cầu pháp nhân thương mại báo cáo, làm rõ bằng văn bản.
Pháp nhân thương mại phải chấp hành việc báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình cho cơ quan thi hành án hình sự.
(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)