Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời chiều nay (20.4).Ông được biết đến với những bài thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên vô cùng yêu thích như: “Chiếc lá đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”...
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa qua đời đột ngột vào chiều hôm nay (20.4) tại Hà Nội. Xác nhận thông tin này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, chiều nay, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng ông đã không có mặt vào giờ lên sóng. Sau đó, người thân của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đập cửa và phát hiện ông đã qua đời vào khoảng 14 - 15 giờ.
Trên trang cá nhân, nhà thơ Hữu Việt đau buồn gửi lời tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Đây có lẽ là bức ảnh cuối cùng của người anh yêu quý! Bất ngờ và đột ngột quá!
Thêm một nhà thơ lớn về tài năng và tuyệt vời về nhân cách đã nằm xuống".Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7.2.1952, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 16).
Năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm cùng bạn bè đồng khóa trong Khoa Ngữ văn đã tình nguyện nhập ngũ, khoác ba lô ra trận. Ông đã sống và chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, trong đó có mặt trận Trị Thiên - Huế.
Sống trong những tháng ngày bom đạn, máu lửa chiến tranh đã in dấu đậm nét trong cả sự nghiệp thơ Hoàng Nhuận Cầm. Sau chiến tranh, ông về học lại Khoa Ngữ văn rồi về công tác trong ngành điện ảnh truyền hình.
Mặc dù vậy, cuộc sống của Hoàng Nhuận Cầm vẫn dành trọn vẹn cho thơ ca. Ông được biết đến với những bài thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên vô cùng yêu thích như “Chiếc lá đầu tiên”, “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến”, “Viên xúc xắc mùa thu”...
Bên cạnh thơ ca, Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia đóng phim. Một số kịch bản ấn tượng của ông phải kể đến như “Đêm hội Long Trì” (năm 1989), “Hà Nội mùa Đông năm 46” (năm 1997), “Áo chàm Bắc Sơn”, “Mùi cỏ cháy”…
Đặc biệt, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn nổi tiếng với nhân vật “Bác sĩ Hoa Súng” trong chương trình “Gặp nhau cuối năm” và vai nhà thơ trong bộ phim “Số đỏ”.
Trong sự nghiệp, Hoàng Nhuận Cầm cũng đã gặt hái được nhiều thành công và các giải thưởng lớn. Ông đã từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972 - 1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ mang tên “Xúc xắc mùa thu”...
(Nguồn: Báo Lao Động)