Nông dân sáng chế máy xay ép đa năng

Thục Quyên |

Từ kinh nghiệm của bản thân, sau một thời gian nghiên cứu, anh Đào Văn Huy ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chế tạo thành công máy xay ép đa năng dùng để xay các loại thực phẩm, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu xay, ép nước lá rau ngót phục vụ cho việc làm bánh tét mặt trăng tại địa phương.

Theo anh Huy, bánh tét Đại An Khê từ lâu đã nổi tiếng về độ ngon và điểm đặc trưng là bánh có màu xanh với hình dạng như mặt trăng khuyết. Để tạo ra chiếc bánh tét mặt trăng, ngoài chất liệu là những hạt nếp dẻo thơm, bóng mẩy, phần nhân bằng thịt mỡ và đậu xanh thì yếu tố quan trọng là gạo nếp phải được ngâm, trộn ngay với nước được giã từ lá rau ngót để vừa tạo màu xanh, vừa tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng.

Tuy nhiên, để có nước lá rau ngót, các hộ làm bánh tét ở làng Đại An Khê khá vất vả. Trước đây, người dân chủ yếu dùng phương pháp truyền thống là cho lá ngót vào cối giã bằng tay. Sau này, tiến bộ hơn là dùng máy xay sinh tố để xay, sau đó lọc, vắt lấy nước, tuy nhiên năng suất thấp, mất nhiều thời gian, chi phí cao.

Từ nhu cầu thiết yếu của gia đình và các hộ làm bánh tét mặt trăng trong làng, anh Huy nảy ra ý tưởng và nghiên cứu chế tạo thành công máy xay ép đa năng có kích thước nhỏ gọn, giá thành rẻ, dễ tháo lắp, sửa chữa. Hệ thống máy gồm 2 bộ phận chính là “máy xay” gồm 1 dao cắt và “ép nước” bằng trục xoắn.

Anh Đào Văn Huy vận hành máy xay ép đa năng -Ảnh: T.Q
Anh Đào Văn Huy vận hành máy xay ép đa năng -Ảnh: T.Q

Ngoài ra, còn có mô tơ điện và bộ phận truyền động. Tất cả được đặt trên khung sắt chắc chắn. Lá rau ngót tươi xanh sau khi rửa sạch được cho vào ống trục đứng có dao cắt bên trong để xay mịn, rồi chuyển qua trục xoắn ép lấy nước. Thành phẩm được đưa ra ngoài theo 2 cửa riêng biệt, một cửa là nước lá rau ngót, cửa còn lại là bã lá rau ngót sau khi ép.

Theo anh Huy, việc sử dụng máy xay ép đa năng giúp tăng năng suất lao động gấp 10 - 15 lần so với cách làm thủ công trước đây, chi phí của các hộ làm bánh tét cũng giảm đáng kể. “Với 1 tạ lá ngót nếu làm thủ công thì phải mất 5 lao động trong một ngày mới xay và ép nước xong, chi phí mất khoảng 1 triệu đồng. Trong khi với máy xay ép đa năng thì chỉ mất thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ với chi phí 150.000 đồng”, anh Huy nói.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu xay lá ngót ngày càng nhiều của các hộ làm bánh tét mặt trăng làng Đại An Khê và các hộ khác trên địa bàn huyện, máy xay ép đa năng của anh Huy còn phục vụ nhu cầu xay các loại thực phẩm khác của người dân.

Theo anh Huy, hiện tại làng Đại An Khê đã thành lập Tổ hợp tác bánh tét mặt trăng Đại An Khê với hơn 20 hộ tham gia. Bình quân một hộ mỗi ngày đưa ra thị trường hàng ngàn chiếc bánh dày, bánh tét và bánh chưng các loại. Riêng dịp tết Nguyên đán, số lượng các đơn hàng đặt bánh của các hộ trong tổ hợp tác rất cao với khoảng 100.000 bánh các loại.

Do vậy, việc chế tạo thành công máy xay ép đa năng của anh đã góp phần phục vụ nhu cầu của các hộ dân trong tổ hợp tác. Giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn thực phẩm. “Do tự mày mò nghiên cứu, chế tạo nên tôi mong muốn được các nhà khoa học, chuyên gia hướng dẫn, bổ sung các chi tiết về mặt kỹ thuật nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế”, anh Huy cho biết thêm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Thượng Lê Văn Thảo cho biết, không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ, máy xay ép đa năng của anh Huy còn đáp ứng nhu cầu xay ép lấy nước các loại lá rau ngót, lá gai… để làm bánh của các hộ dân trên địa bàn huyện. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của thị trường mà còn góp phần quan trọng giúp sản phẩm bánh tét mặt trăng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Thảo cho biết thêm, ngoài sáng chế máy xay ép đa năng, anh Huy còn nổi tiếng là “mát tay” trong việc sửa chữa các loại máy móc nông nghiệp tại địa phương. Những chiếc máy cắt, máy gặt bị hư hỏng qua tay anh không những được phục hồi mà còn được nâng cấp như trở thành máy lên luống đất phục vụ trồng các loại hoa màu. Xưởng cơ khí của anh hàng năm mang lại thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cần thêm chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi ngành nghề

Bảo Bình |

Thúc đẩy đô thị hóa vùng vành đai TP. Đông Hà (Quảng Trị) thông qua đầu tư hạ tầng, phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới là yêu cầu tất yếu, tác động đến nhiều mặt kinh tế, xã hội.

Xứng đáng là điểm tựa vững chắc cho nông dân huyện Đakrông

Sỹ Phùng |

Nhiệm kỳ 2018-2023, cán bộ, hội viên nông dân huyện Đakrông (Quảng Trị) đã đoàn kết, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, không ngừng xây dựng hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động. 

Nông dân Cam Lộ phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng

Anh Vũ |

Hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Công ty An Xuân hỗ trợ nông dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu

Anh Vũ |

Nằm trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ giữa Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (thị trấn Cam Lộ) với nông dân Bản Chùa (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) về hợp tác trồng và thu mua cây dược liệu, Công ty đang triển khai hỗ trợ người dân Bản Chùa trồng khoảng 3 ha cây dược liệu. Hiện nay những diện tích cây dược liệu đầu tiên đã được bà con xuống giống.