Nông dân Cam Lộ phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng

Anh Vũ |

Hưởng ứng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm gần đây, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Trong đó, phát huy lợi thế vùng gò đồi, nhiều hộ đã chuyển hướng sang mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Hiện nay, mô hình nuôi dê nhốt chuồng trên địa bàn huyện Cam Lộ phát triển khá mạnh ở các xã thuộc vùng gò đồi như Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thủy. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện có trên 200 hộ gia đình phát triển mô hình này với số lượng gần 5.000 con dê. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 10 - 20 con dê sinh sản, dê thịt, hộ nuôi nhiều lên đến hàng trăm con.

Cách đây hai năm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Huy, chị Trần Thị Sương ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính đã vay vốn đầu tư chuồng trại, mua dê giống về nuôi. Ban đầu do còn khó khăn về nguồn vốn nên gia đình anh Huy chỉ nuôi vài chục con, dần dần phát triển lên hơn 100 con. Vừa nuôi dê sinh sản, vừa mua dê thịt về nuôi vỗ béo rồi bán ra thị trường nên thu nhập của gia đình anh Huy trên dưới 200 triệu đồng mỗi năm.

“Từ khi chuyển đổi sang mô hình nuôi dê nhốt, tôi thấy hiệu quả rất nhiều. Trước hết ở địa phương quỹ đất vẫn còn nhiều nên thuận lợi trong việc trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho dê. So với trâu, bò thì dê cần lượng thức ăn ít hơn. Ngoài cỏ thì dê còn ăn rất nhiều loại lá khác nhau nên dễ kiếm. Bên cạnh đó, nhờ nuôi nhốt nên dê ít bị bệnh, thị trường tiêu thụ dễ dàng… Từ mô hình chăn nuôi dê, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định và quan trọng hơn là có được sinh kế lâu dài”, chị Sương chia sẻ.

Một mô hình nuôi dê nhốt chuồng ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ - Ảnh: ANH VŨ
Một mô hình nuôi dê nhốt chuồng ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ - Ảnh: ANH VŨ
Theo nhiều người nuôi dê cho biết, dê là động vật có sức đề kháng cao nên rất ít khi bị bệnh. Để bảo vệ đàn dê, cần quan tâm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Điểm thuận lợi là vì nuôi nhốt nên dễ kiểm soát dịch bệnh cho dê. Vật nuôi này thời gian sinh trưởng nhanh, nguồn thức chủ yếu là cỏ, các loại lá sẵn có trong vườn, so với nuôi trâu, bò thì nuôi dê cần lượng thức ăn ít hơn rất nhiều. Dê từ khi sinh đến 4 tháng là có thể xuất bán nên thu hồi vốn nhanh.

Đặc biệt thị trường đầu ra rất ổn định, thương lái đến thu mua ngay tại chuồng. Nếu bán dê thịt thì trung bình 130.000 đồng/kg, còn dê giống là 150.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình ở Cam Lộ có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi dê nhốt, có hộ ở xã Cam Chính, Cam Nghĩa lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển mô hình nuôi dê nhốt hiệu quả, thời gian qua, chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, vận động thành lập 3 tổ hợp tác để các hộ liên kết, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc dê, phòng, trị các loại bệnh thông thường; trao đổi nguồn dê giống; xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Nghĩa Mai Vĩnh Trình cho biết, tận dụng lợi thế của một xã miền núi, những năm qua, hội đã tuyên truyền vận động hội viên phát triển mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng và nuôi bán chăn thả để nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn xã có trên 50 hộ phát triển chăn nuôi dê với tổng đàn hơn 500 con. Ngoài những hộ đầu tư chuồng trại nuôi nhốt chuồng, nhiều hộ nuôi theo hình thức bán chăn thả, dê tự kiếm thức ăn trên rừng nên lợi nhuận khá cao. Đa số những hộ gia đình nuôi dê đều có nguồn thu nhập ổn định, có hộ giàu lên từ mô hình này.

Nuôi dê nhốt chuồng là hướng đi phù hợp trong khai thác tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi của Cam Lộ. Qua đó giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi kinh tế theo hướng đa cây, đa con để nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, hiện nay một số hộ vẫn còn nuôi theo tính tự phát, nhỏ lẻ; chưa chú trọng đến việc ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi nên hiệu quả mang lại chưa cao; ở một số địa phương, diện tích đất trồng cỏ ngày càng bị thu hẹp dần, nếu nuôi dê với số lượng nhiều sẽ thiếu hụt nguồn thức ăn; nhiều hộ muốn đầu tư nuôi quy mô lớn nhưng nguồn vốn còn hạn chế; đầu ra sản phẩm hiện tại vẫn đang ổn định nhưng chưa thực sự bền vững bởi thiếu sự liên kết chặt chẽ…

“Để mô hình nuôi dê nhốt chuồng ngày càng được nhân rộng và có hiệu quả cao hơn, thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều hơn các tập huấn nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi, cách phòng bệnh cho dê; chú trọng đến vấn đề con giống, quan tâm hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chuồng trại, mua con giống, mở rộng diện tích trồng cỏ… tạo điều kiện thuận lợi để giúp người dân phát triển chăn nuôi có quy mô, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Nguyễn Văn Việt cho biết.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bàn giao gần 1,3 tỉ đồng vốn vay Dự án chăn nuôi bò cho người khuyết tật ở huyện Cam Lộ

Anh Vũ |

Ngày 27/10, Hội Nông dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Chia sẻ Dân sự toàn cầu (GCS), Quỹ Hạnh phúc KRX (Hàn Quốc) tổ chức lễ bàn giao vốn vay Dự án chăn nuôi bò cho các hộ gia đình người khuyết tật tại huyện Cam Lộ.

Cam Lộ: 14 trang trại liên kết với doanh nghiệp phát triển chăn nuôi

Anh Vũ |

Với lợi thế về đất đai vùng gò đồi, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng trang trại chăn nuôi có quy mô lớn mang lại hiệu quả cao.

Hướng Hóa: Gần 5 tỉ đồng xây dựng 4 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở 10 xã

Nguyễn Đình Phục |

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vừa có văn bản gửi UBND huyện và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) việc thống nhất triển khai thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trong năm 2022.

Hiệu quả của một trang trại chăn nuôi trên vùng đất cát

Thu Thảo |

Với khát vọng biến bất lợi trở thành lợi thế, anh Phan Khắc Sự ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã quyết tâm và xây dựng thành công một trang trại chăn nuôi tổng hợp có quy mô lớn ở vùng đất cát cằn khô, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.