Nhiều nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế đã có phản ứng ban đầu về họp báo của Taliaban. Họ nhấn mạnh, việc tôn trọng nhân quyền bao gồm quyền của phụ nữ và cách hành xử của Taliban sẽ là các điều kiện để họ cân nhắc công nhận chính quyền mới ở Afghanistan.
Ngày 17/8, phong trào Taliban tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi giành chính quyền tại Afghanistan, trong đó cam kết nhiều vấn đề được đánh giá là đổi mới so với giai đoạn cầm quyền cách đây 20 năm.
Sau cuộc họp báo của Taliban, nhiều nước trên thế giới, nhiều tổ chức quốc tế đã có phản ứng ban đầu, trong đó nhấn mạnh, việc tôn trọng nhân quyền bao gồm quyền của phụ nữ và cách hành xử của Taliban sẽ là các điều kiện để họ cân nhắc công nhận chính quyền mới ở Afghanistan.
Phản ứng trước những cam kết được Taliban đưa ra trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric tuyên bố, Liên Hợp Quốc sẽ cần phải thấy được hành động trên thực tế của lực lượng này tại Afghanistan.
"Tôi đã xem cuộc họp báo. Chúng ta sẽ cần phải xem điều gì thực sự xảy ra với Afghanistan và tôi nghĩ rằng, Taliban cần phải hành động để những lời hứa hẹn của họ trở thành hiện thực”.
Liên minh châu Âu (EU) ra điều kiện sẽ chỉ hợp tác với Taliban nếu nhóm vũ trang này tôn trọng các quyền cơ bản, gồm quyền của phụ nữ, và ngăn các lực lượng khủng bố sử dụng lãnh thổ của Afghanistan.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn với các ngoại trưởng EU, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU cho biết: "Tôi không nói là chúng tôi (EU) sẽ công nhận Taliban. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi phải nói chuyện với họ về mọi thứ, thậm chí tìm cách bảo vệ phụ nữ và các bé gái. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ của mình để phụ nữ và trẻ em tại Afghanistan được tôn trọng”.
Cũng giống như EU, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng nữ quyền và không tham gia những tổ chức cực đoan như al-Qaeda.
Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo, tổ chức này có năng lực tấn công các nhóm khủng bố từ xa nếu nhận thấy các nhóm khủng bố đó một lần nữa lập ra và lên kế hoạch, tổ chức tấn công các đồng minh NATO và các quốc gia thành viên. NATO yêu cầu Taliban không để Afghanistan trở thành nơi chứa chấp khủng bố một lần nữa.
Trong khi đó, trong một tuyên bố rõ ràng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, nước này không có kế hoạch công nhận Taliban là chính quyền Afghanistan bởi lực lượng này đã tiếp quản và thay thế một chính quyền dân chủ bằng vũ lực.
Về phía Taliban, tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ lúc giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết sẽ tôn trọng quyền phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo, phụ nữ được làm việc và học tập, trẻ em được tự do tới trường; đồng thời ân xá cho tất cả kẻ thù, trong đó có các cựu binh sĩ hay quan chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn; các nhà thầu, phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Taliban Mujahid cũng đảm bảo với cộng đồng quốc tế rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào và không để quốc gia này trở thành nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố. Taliban sẽ nỗ lực thành lập một chính phủ toàn diện tại Afghanistan và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho hoạt động tái thiết đất nước. Người phát ngôn Mujahid cũng cho biết, Taliban mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa bình với các quốc gia khác để phát triển kinh tế, đồng thời cam kết sẽ chấm dứt mọi hoạt động trồng và sản xuất thuốc phiện.
Theo các nhà phân tích, mặc dù tình hình Afghanistan còn hết sức phức tạp, chưa thể đoán định hết, song nhìn chung bước đầu tình hình vẫn đang được kiểm soát. Với những tuyên bố trong cuộc họp báo đầu tiên của Taliban, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Taliban sắp tới sẽ thay đổi theo chiều hướng ôn hòa và cởi mở hơn.
(Nguồn: VOV1)