Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời kỳ mới

Minh Phương |

 

Ngày 17/4/2024, tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự kiện do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2024).

 

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiến hành trận quyết chiến quyết thắng Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định để đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta phải đối đầu với một đội quân thực dân quân số rất đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc tại tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân cả nước đoàn kết đồng lòng, dồn sức người, sức của để Điện Biên Phủ trở thành chiến thắng quyết định; góp phần quan trọng giành lợi thế lớn trên bàn đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ, mở ra trang mới vẻ vang cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam từ năm 1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”; của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt của quân, dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Trong những năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với tinh thần trách nhiệm, tấm lòng trân trọng và sự biết ơn sâu sắc, đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ thiết thực đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và nghĩa tình, trách nhiệm, tri ân sâu sắc, nhân văn.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 100% việc làm nhà Đại đoàn kết cho 5 nghìn hộ gia đình nghèo và cận nghèo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Vấn đề còn băn khoăn hiện nay là bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đời sống của một bộ phận thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính...

Để phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời kỳ mới, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; khơi dậy lòng yêu nước, phát huy mạnh mẽ truyền thống đạo lý của dân tộc và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với lịch sử và khát vọng cống hiến cho non sông, cho Tổ quốc.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công, quan tâm hơn nữa đến người có công có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; tích cực ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi, phát huy vai trò của người có công, gia đình chính sách trong sản xuất, kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể.

Chú trọng xây dựng và chỉnh trang không gian, cảnh quan nghĩa trang liệt sĩ bảo đảm khang trang, sạch đẹp, thể hiện sự thiêng liêng, tôn kính, để nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Đã 70 năm trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đặc sắc các chương trình nghệ thuật về Điện Biên Phủ

Phương Lan |

Hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các đơn vị nghệ thuật đã xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật hướng về Điện Biên Phủ, ca ngợi chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần con người Việt Nam trong thời đại mới.

Triển lãm 'Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam' sẽ diễn ra tại Điện Biên

Thanh Giang |

Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” sẽ diễn ra tại Điện Biên từ ngày 20-24/5.

Công bố khối tài liệu lưu trữ quý về chiến thắng Điện Biên Phủ

Hoàng Toàn |

Ngày 5/4, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức buổi thông báo về khối tài liệu lưu trữ liên quan đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Đường lên Điện Biên

Châu La Việt |

Tôi là một người lính viết văn trưởng thành từ những mâm pháo, những con đường ra trận, từ mặt trận Cánh Đồng Chum... Tôi chiến đấu thực thụ ở đây chỉ 5 năm, nhưng suốt 50 năm qua, tôi như thể vẫn là một người lính của binh trạm 13, vẫn viết bằng cây bút mà binh trạm, chính ủy Dư Cao, rộng ra là Quân đội giao tôi ngày nào. Và chỉ viết về những người lính, những đồng đội thân yêu của mình.