Triển lãm 'Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam' sẽ diễn ra tại Điện Biên

Thanh Giang |

Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” sẽ diễn ra tại Điện Biên từ ngày 20-24/5.

Đây là hoạt động văn hóa, du lịch trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024; kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). 

Sắc màu ruộng mạ xanh xen kẽ ruộng mới cày bừa trắng nước chờ cấy lúa trông đẹp như tranh ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN
Sắc màu ruộng mạ xanh xen kẽ ruộng mới cày bừa trắng nước chờ cấy lúa trông đẹp như tranh ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN

Triển lãm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam; khẳng định tiềm năng phát triển du lịch, tăng cường liên kết, tạo động lực thu hút mạnh mẽ nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Trong khuôn khổ triển lãm có không gian trưng bày làm nổi bật giá trị các di sản Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng cũng như hình ảnh về cuộc sống, sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khu trưng bày cũng giới thiệu hình ảnh đẹp về ruộng bậc thang Tây Bắc, hồ Ba Bể (Bắc Kạn), sông Hương - núi ngự (Huế), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)…, các làng nghề truyền thống; văn hóa cộng đồng (bản làng văn hóa, lễ cưới của các dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian)…

Cùng với đó là triển lãm chuyên đề giới thiệu tổng quát về trang phục truyền thống các dân tộc trong cuộc sống hằng ngày, lễ hội, nghi lễ… theo vùng, miền. Các bộ trang phục với những sắc thái đa dạng, độc đáo về kiểu dáng, chất liệu, hoa văn không chỉ là biểu tượng đặc trưng cho văn hóa của từng dân tộc, còn chứa đựng giá trị nghệ thuật, lịch sử…, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, triển lãm dành riêng “Khu trưng bày và trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng” cho nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự, người đã kế thừa nét tinh hoa của nghệ thuật thủ công truyền thống Việt Nam kết hợp với sáng tạo của sức trẻ để cho ra đời nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Tại triển lãm lần này, anh mang đến các tác phẩm: “Tự hào Việt Nam”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” và “Người chiến sỹ Điện Biên”.

Trong không gian văn hóa trà Việt Nam sẽ là giao lưu văn hóa trà với các sản phẩm trà nổi tiếng từ nhiều vùng trà ở Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang…

Dòng Ngô Đồng vàng rực đón du khách trong và ngoài nước về tham quan Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình). Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN
Dòng Ngô Đồng vàng rực đón du khách trong và ngoài nước về tham quan Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình). Ảnh minh họa: Minh Đức/TTXVN

Rất nhiều địa phương tham gia triển lãm không gian sắc màu “Du lịch di sản văn hóa và danh thắng” như: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu và An Giang.

Các địa phương giới thiệu di sản văn hóa, thiên nhiên, danh thắng tiêu biểu, điểm đến được du khách yêu thích. Ngoài ra còn giới thiệu nét đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững, sản phẩm thủ công truyền thống, nghệ thuật ẩm thực, sản vật.

Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra giao lưu, văn hóa nghệ thuật với sự tham gia của các đoàn, câu lạc bộ nghệ thuật chuyên và không chuyên. Đồng bào giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật dân gian truyền thống, dân ca, dân vũ, trình diễn áo dài, cũng như các tiết mục nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp và tình yêu quê hương, đất nước, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

(Nguồn: TTXVN)

TAGS

Festival Phở 2024: Hướng đến cái đích để Phở Việt trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể thế giới

Nguyệt Nhi |

Festival Phở 2024 đang diễn ra tại Nam Định với mục đích hướng tới xây dựng hồ sơ, đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể thế giới.

Thao thức trên con đường di sản miền Trung

Thanh Hải |

Mùa xuân 2024 này, chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” tròn 20 năm hình thành và phát triển. Chặng đường đã qua, chương trình đem lại thành công và lợi ích nhiều mặt không chỉ đối với 3 tỉnh có các di sản thế giới được UNESCO công nhận trong mục tiêu ban đầu là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế); Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An (Quảng Nam), mà các tỉnh, thành phố khác trên dải đất miền Trung cũng tham gia khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế.

Đưa di sản đến gần với du khách

Thủy Ngọc |

Quảng Trị hiện có 562 di sản văn hóa vật thể, 342 di sản văn hóa phi vật thể. Xác định đây là tiềm năng, thế mạnh để khai thác phát triển du lịch, thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh đã phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn và tích hợp vào app Di sản văn hóa Quảng Trị. Qua đó, giúp du khách có được những trải nghiệm mới về lịch sử, văn hóa và hỗ trợ công tác quản lý di tích.

Bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản

Thùy Dung |

Không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, Cây Di sản còn là niềm tự hào của nhân dân mỗi địa phương.