Thao thức trên con đường di sản miền Trung

Thanh Hải |

Mùa xuân 2024 này, chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” tròn 20 năm hình thành và phát triển. Chặng đường đã qua, chương trình đem lại thành công và lợi ích nhiều mặt không chỉ đối với 3 tỉnh có các di sản thế giới được UNESCO công nhận trong mục tiêu ban đầu là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế); Thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An (Quảng Nam), mà các tỉnh, thành phố khác trên dải đất miền Trung cũng tham gia khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế.

Kết nối “Con đường di sản miền Trung”

Những năm qua, việc liên kết hoạt động du lịch các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trên “Con đường di sản miền Trung” tạo nên thương hiệu du lịch nổi tiếng của miền Trung Việt Nam, trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Trên con đường du lịch di sản đó, Quảng Trị là địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng du lịch, song là “mắt xích” yếu nhất trong chuỗi liên kết.

Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trở thành điểm đến hấp dẫn tại Lễ hội Thống nhất non sông 30/4 -Ảnh: N.T.H
Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trở thành điểm đến hấp dẫn tại Lễ hội Thống nhất non sông 30/4 -Ảnh: N.T.H

Với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng đồ sộ gồm hơn 500 di tích đã được công nhận, trong đó có 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 4 bảo vật quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Quảng Trị có đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến độc đáo, hấp dẫn. Đến với Quảng Trị để chứng kiến, cảm nhận nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt đất nước và thấu hiểu khát vọng sống, khát vọng độc lập tự do, khát vọng thống nhất non sông, khát vọng hòa bình của một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm phải đương đầu với chiến tranh chống lại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thế giới.

Đến Quảng Trị để thấu hiểu ân tình của vùng đất khởi phát hành trình Nam tiến mở rộng bờ cõi quốc gia; khám phá vì sao Quảng Trị rất nhiều lần trong lịch sử mang sứ mệnh chọn làm “kinh đô kháng chiến”? Đến với Quảng Trị để tri ân những người nằm lại trên mảnh đất này vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Và, đến Quảng Trị để trải nghiệm, thấu hiểu giá trị của hòa bình! Quảng Trị chính là mảnh ghép hoàn hảo của chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” chưa được khai thác đúng tầm.

Nói đến Quảng Trị, nhiều người ví von đây là vùng đất biểu tượng của thanh gươm và trái tim, nơi khởi phát hành trình mở cõi về phương Nam, anh dũng kiên cường và tình cảm, nặng sâu ân tình. Như một sự lựa chọn của lịch sử, vùng đất Quảng Trị được hình thành theo cách rất đặc biệt: phần phía Bắc Quảng Trị từ sông Hiếu trở ra thuộc châu Ma Linh của Champa được trao cho Đại Việt sau cuộc tấn công của Lý Thường Kiệt vào năm 1069 và phần phía Nam Quảng Trị là món quà sính lễ của quốc vương Champa Chế Mân dâng cho người Việt sau cuộc hôn nhân với công chúa Trần Huyền Trân vào năm 1306.

Khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm xứ Thuận Hóa năm 1558, với tầm nhìn chiến lược của một vĩ nhân, ông đã chọn vùng đất Ái Tử đặt dinh trấn và biến Quảng Trị không chỉ trở thành nơi phồn hoa đô hội mà còn là trung tâm đầu não công cuộc phát triển, mở mang bờ cõi về phương Nam của các đời Chúa Nguyễn, để gần 200 năm sau, đất nước ta có được hình hài lãnh thổ, lãnh hải đầy đủ, trọn vẹn như ngày nay.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, vùng đất huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị 2 lần được chọn làm “thủ đô kháng chiến”, đó là sơn phòng Tân Sở nơi ban Chiếu Cần Vương hiệu triệu văn thân, sĩ phu, Nhân dân đứng lên chống giặc giữ nước của vị Hoàng đế yêu nước trẻ tuổi Hàm Nghi trong 2 năm (1883-1885) và nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong 2 năm (1973-1975).

Quảng Trị còn là địa danh lịch sử nổi tiếng cả thế giới trong thế kỷ XX gắn với cầu Hiền Lương - sông Bến Hải, nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc đất nước trong suốt 21 năm (1954- 1975); là địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh thể hiện sức sống bền bỉ, bất diệt, ý chí kiên cường vô song và sự sáng tạo của người Việt Nam đưa cuộc sống xuống lòng đất trong trận tuyến chống quân thù; là Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Hàng rào điện tử McNamara, Cồn Tiên - Dốc Miếu, Thành Cổ Quảng Trị..., ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đi qua chiến tranh, Quảng Trị là địa phương có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhất cả nước với 72 nghĩa trang và gần 60.000 mộ phần liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Nơi đây, vào dịp Lễ hội Thống nhất non sông 30/4 và ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm luôn nườm nượp dòng người trên mọi miền Tổ quốc tìm về dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Đồng bào, chiến sĩ cả nước và du khách đến với Quảng Trị như được sống trong niềm xúc cảm của miền tưởng niệm, tri ân.

Để Quảng Trị trở thành nơi gặp gỡ của hòa bình

Nhưng để tạo nên điểm nhấn ấn tượng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Trị, biến tiềm năng và tài nguyên di sản văn hóa thành tài sản vô giá, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương thì vẫn còn nhiều trăn trở. Trên nhiều bàn nghị sự, câu chuyện liên kết, khai thác hiệu quả chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” đã được 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đưa ra thảo luận, tìm lời giải bài toán kinh tế học trong di sản văn hóa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, hấp dẫn, có lợi thế so sánh của từng địa phương.

Đến nay, 3 tỉnh có các di sản thế giới đều có các sản phẩm du lịch nổi tiếng thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển mạnh như: Khám phá “Du lịch hang động” ở Quảng Bình; Festival Huế; Lễ hội đêm rằm ở phố cổ Hội An; Lưu luyến Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam)... TP. Đà Nẵng với lợi thế có cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn, vươn lên trở thành trung tâm kết nối du lịch “Con đường di sản miền Trung” và cũng đã xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo “Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng” để thúc đẩy phát triển du lịch.

Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn, nơi diễn ra Lễ hội thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ -Ảnh: N.T.H
Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn, nơi diễn ra Lễ hội thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ -Ảnh: N.T.H

Đối với tỉnh Quảng Trị, sản phẩm du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “Du lịch vùng phi quân sự DMZ” khai thác các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng chưa tạo được sức thu hút lớn đối với du khách; các lễ hội như Thống nhất non sông, Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn..., quy mô còn nhỏ lẻ, tính kết nối chưa cao.

Du lịch Quảng Trị cần có một sự kiện lễ hội văn hóa có quy mô lớn, được tổ chức theo chu kỳ cố định, mà Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên dự kiến được tổ chức vào tháng 7/2024 là một hướng đi rất phù hợp. Lễ hội Vì Hòa bình ở Quảng Trị là một chuỗi các hoạt động, sự kiện và lễ hội xung quanh chủ đề tôn vinh các giá trị của hòa bình để tạo dấu ấn và sự khác biệt.

Theo đó, để du khách được trải nghiệm, thấu hiểu giá trị hòa bình thông qua các chuỗi hoạt động, sự kiện, thì cần xây dựng mô hình trung tâm kết nối di sản văn hóa của tỉnh, trung tâm diễn giải di sản văn hóa, thúc đẩy hợp tác công tư để khai thác giá trị của di sản văn hóa, trong đó chú trọng chuyển đổi số, tích hợp số hóa dữ liệu các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể của tỉnh, từ đó sáng tạo ra các chủ đề du lịch phù hợp.

Dấu ấn lịch sử, nhất là các di tích lịch sử văn hóa gắn với nơi khởi phát hành trình mở cõi về phương Nam, những yếu tố chiến công hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tính nhân văn, ân tình sâu nặng của vùng đất Quảng Trị đối với cả nước... là tài nguyên vô giá tạo nên sản phẩm khác biệt của du lịch tưởng niệm Quảng Trị.

Thao thức và hy vọng hệ thống di sản văn hóa đồ sộ của tỉnh Quảng Trị sẽ tạo nên sự khác biệt, kết nối làm cho chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung” đa dạng và hấp dẫn hơn, phát huy được giá trị tài nguyên di sản văn hóa thành tài sản tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương cùng tham gia thụ hưởng; di sản văn hóa phải biến từ tiềm năng thành tài nguyên và sản phẩm có sự kiện, có trải nghiệm...; biến sức mạnh văn hóa, “sức mạnh mềm” cả tinh thần và vật chất thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH thông qua phát triển du lịch, khai thác văn hóa trong du lịch, với thông điệp Quảng Trị từng là nơi chia cắt bởi chiến tranh sẽ là nơi gặp gỡ của hòa bình!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Huyện Hướng Hóa: Nhân dân vui xuân, đón Tết an toàn

Trần Thanh |

Với đặc thù là huyện miền núi có đường biên giới giáp với nước bạn Lào và đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn để Nhân dân vui xuân, đón Tết.

Chuyện dựng vợ gả chồng của đồng bào Pa Cô

PV |

Trong ngày cưới, phía nhà gái treo hai tấm zèng trước cửa nhà, báo hiệu gia đình có hỷ sự...

Bất ngờ với “mai vàng, đào thắm” trước ngõ đón Tết ở huyện miền núi Đakrông

Hưng Thơ- Minh Hiển |

Giáp Tết, người dân dọc tuyến đường Quốc lộ 9 đoạn qua thị trấn ở huyện miền núi Đakrông của Quảng Trị rủ nhau làm “mai vàng, đào thắm” đặt trước ngõ đón Tết, khiến bộ mặt của thị trấn đổi khác.

Độc đáo tục lấy lửa đêm 30 Tết ở làng bích họa Cảnh Dương

Đức Tuấn |

Đêm 30 Tết, đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân làng biển Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại cùng nhau rước ngọn lửa thiêng về nhà để cầu may mắn và bình an.