Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nền KT - XH của tỉnh Quảng Trị có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong khi tập trung cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn quan tâm phát triển văn hóa - xã hội. Mới đây, trong chương trình hành động thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh đã định hướng cho sự phát triển toàn diện văn hóa - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một thành tựu chung đáng được ghi nhận qua 34 năm lập lại tỉnh, đó là bức tranh KT-XH của tỉnh có nhiều mảng màu tươi sáng, đã tạo được bước phát triển vượt bậc. Điều đó thể hiện qua quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng khá. GRDP tăng gấp 3,8 lần, từ 5.957,6 tỉ đồng năm 2004 lên 22.665,614 tỉ đồng năm 2022; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,3%/năm; năm 2021 đạt 6,5%, năm 2022 đạt 7,17%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 đạt 27.115 tỉ đồng, gấp 22 lần so với năm 2004.
Điều đáng mừng là cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có lĩnh vực nổi trội. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả.
Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông phát triển rộng khắp; các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chế độ chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên nhìn tổng thể thì lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn còn một số mặt hạn chế như: hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn còn thiếu; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là các huyện miền núi; chất lượng dịch vụ y tế có mặt chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; chất lượng giáo dục giữa các vùng chưa đồng đều; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…
Ngày nay, trong triết lý phát triển, người ta nói rằng phát triển để làm gì nếu mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế không quay trở lại phục vụ đời sống con người. Để đời sống xã hội phát triển cân bằng, bền vững, cần phát triển đồng đều ở các lĩnh vực, trong đó văn hóa được Đảng ta xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế. Nền tảng văn hóa có mạnh thì mới có thể đưa xã hội phát triển đúng hướng, tất cả đều vì con người; con người là trung tâm của đời sống xã hội.
Trên cơ sở phân tích những thành tựu đạt được và hạn chế đang đặt ra, Đảng bộ tỉnh đã định hướng cho sự phát triển toàn diện văn hóa - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:
Trước hết, cần tập trung đổi mới quản lý giáo dục theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo theo hướng hệ thống giáo dục mở, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và đối tượng chính sách xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số.
Thứ hai, tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, phát huy vai trò hệ thống các điểm không gian khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tạo lập và mở rộng thị trường đối với các sản phẩm chủ lực địa phương.
Tăng cường đầu tư và phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ theo hướng hiện đại; thực hiện xã hội hóa một số hoạt động khoa học và công nghệ, có chính sách thu hút đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ, nhất là từ các doanh nghiệp. Tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ tư, hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở. Xây dựng hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật đồng bộ, đủ năng lực dự báo, kiểm soát bệnh tật. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cấp xã.
Thứ năm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh và di sản thiên nhiên, nhất là các di sản quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận các di sản thế giới đối với di tích địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; hệ thống giếng cổ Gio An. Đầu tư và nâng cấp mạng lưới thiết chế văn hóa và thể dục - thể thao.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)