Những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt công tác quản lý vốn vay ủy thác từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, giúp sức đưa dòng chảy vốn tín dụng chính sách đến tận hộ nghèo và các đối tượng chính sách kịp thời, hiệu quả. Nhờ làm tốt công tác này, hàng nghìn gia đình có thêm điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chị Lý Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh cho biết, hội đang quản lý 3 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với 125 thành viên, có tổng dư nợ hơn 10 tỉ đồng. Nhiều mô hình kinh tế từ nguồn vốn vay như nuôi gà thịt, trồng cam theo hướng hữu cơ, trồng cây cao su... đã phát huy hiệu quả, giúp người dân từng bước vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và có nhiều đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội.
Thông qua tổ TK&VV Hội LHPN thị trấn, nguồn vốn chính sách xã hội được triển khai nhanh chóng về với người dân, đảm bảo minh bạch, công khai, đúng đối tượng nên được người dân tin tưởng, hưởng ứng. “Nhờ vay vốn chính sách 400 triệu đồng, năm 2023, tổ hợp tác chăn nuôi gà tại địa phương với 5 thành viên đã mở rộng hai khu chuồng trại, nuôi 25 nghìn con gà thịt, giải quyết việc làm cho 12 lao động; năm đầu tiên hoạt động đã có lãi hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm 2024, tổ hợp tác chuẩn bị xuất lứa gà tiếp theo. Nguồn vốn vay đã giúp tổ đầu tư chuồng trại rộng rãi, khép kín; bổ sung con giống gối vụ; phòng chống dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi. Mô hình mang lại hiệu quả khá cao”, chị Nga chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Trương Thị Lệ Chi, thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH, hội đã phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ gia đình phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em phát huy được tính tự chủ phát triển kinh tế, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tổng dư nợ ủy thác qua Hội LHPN huyện đến tháng 8/2024 đạt 215 tỉ đồng với 2.886 hộ thuộc các đối tượng nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn.
Hiện có nhiều cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác quản lý vốn vay ủy thác, đưa tổng dư nợ ủy thác thông qua Hội LHPN tỉnh đến nay là 2.018 tỉ đồng với 30.587 thành viên tại 723 tổ TK&VV.
Theo Hội Nông dân tỉnh, thực hiện chương trình phối hợp với NHCSXH, đến năm 2023, hội đã nhận ủy thác và quản lý tốt vốn cho 23.234 thành viên vay với tổng dư nợ hơn 1.413 tỉ đồng tại 569 tổ TK&VV, tăng 240 tỉ đồng so với năm 2022. Nguồn vốn này góp phần thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Nhờ đó năm 2023, toàn tỉnh có 27.499 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 110% chỉ tiêu giao). Nổi bật như các đơn vị: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Đông Hà. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vừa làm giàu cho gia đình, vừa giúp đỡ các hộ nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vốn, vật tư đầu vào, việc làm để vươn lên thoát nghèo.
Một tổ chức CT-XH mạnh trong công tác quản lý vốn ủy thác tín dụng chính sách từ NHCSXH là Hội Cựu chiến binh tỉnh. Thời gian qua, hội đã tạo điều kiện tốt cho các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Tính đến tháng 8/2024, tổng dư nợ hội đang quản lý là 897 tỉ đồng, tăng 64 tỉ đồng so với năm 2023. Hiện có 12.989 hộ cựu chiến binh được vay vốn tại 327 tổ TK&VV, trong đó 307 tổ TK&VV đạt chất lượng tín dụng tốt, chiếm 93,88%; không có tổ yếu, kém.
Với mạng lưới đầy đủ từ cấp tỉnh đến cơ sở, đến nay Tỉnh đoàn Quảng Trị đã quản lý, đảm nhận các công tác ủy thác cho vay 9.319 thành viên với dư nợ 639 tỉ đồng.
Thời gian qua, cùng với việc tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn, tập huấn nghiệp vụ ủy thác, Tỉnh đoàn cũng đã kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn, gửi tiết kiệm tích lũy. Kết quả, nhiều đoàn viên, thanh niên đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, triển khai các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Đức Xuân Hương cho biết, đến nay, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác qua 4 tổ chức CT-XH đạt hơn 5.049 tỉ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ của NHCSXH. Phát huy những kết quả đạt được, NHCSXH tiếp tục thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức CT-XH nhận ủy thác.
Hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ chức CT-XH giúp công khai hóa, xã hội hóa hoạt động của NHCSXH, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; giúp Nhân dân được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu, tin cậy đối với Nhân dân.
Thông qua hình thức cho vay này, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính, tiết kiệm của NHCSXH một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn và hiệu quả; việc bình xét hộ vay vốn công khai, dân chủ đã phát huy vai trò của tổ chức hội, đảm bảo đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, các tổ chức hội có điều kiện quan tâm hơn đến hội viên, làm cho sinh hoạt hội có nội dung phong phú hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)