Sau 3 năm tình nguyện dạy học tại Lào, nhiều giáo viên bị thất nghiệp

Trần Tuyền |

Nhiều giáo viên trong tỉnh tình nguyện sang Lào dạy học 3 năm với mong muốn khi trở về sẽ được xét tuyển đặc cách theo Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 27/2/2014 về “Ban hành quy chế xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét tuyển và xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức của tỉnh Quảng Trị”. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy trở về, nhiều giáo viên nhận thông báo không được xét tuyển đặc cách nữa vì UBND tỉnh ban hành một quyết định khác bãi bỏ Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND.

13 nữ giáo viên thất nghiệp vì không được xét tuyển đặc cách

Năm 2013, chị Phạm Minh Hạnh (sinh năm 1992), trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá tốt nghiệp Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Sau khi hay tin UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND về “Ban hành quy chế xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét tuyển và xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức của tỉnh Quảng Trị”, chị Hạnh nộp hồ sơ tình nguyện dạy học tại Lào. “Tháng 8/2017, tôi cùng 9 người khác tình nguyện sang Lào dạy học.

Các cô giáo mong muốn các cơ quan chức năng sớm có phương án tối ưu để đảm bảo quyền lợi sau khi hoàn thành thời gian tình nguyện dạy học tại Lào. Ảnh: TT
Các cô giáo mong muốn các cơ quan chức năng sớm có phương án tối ưu để đảm bảo quyền lợi sau khi hoàn thành thời gian tình nguyện dạy học tại Lào. Ảnh: TT

Lúc bấy giờ, mỗi huyện chỉ chọn 1 người đi. Chúng tôi lên đường với niềm tin khi trở về sẽ được xét tuyển đặc cách theo Quyết định số 10 của UBND tỉnh vì tại khoản 1, Điều 16 về đối tượng xét tuyển đặc cách trong quyết định có ghi rõ: “Người được cấp có thẩm quyền cử đi học theo chế độ cử tuyển tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP và các quy định khác của cấp có thẩm quyền theo nguyên tắc cơ quan, đơn vị nào lựa chọn, đề nghị UBND tỉnh cử tuyển thì cơ quan, đơn vị đó xem xét, xét tuyển; người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất là 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước”, chị Hạnh nói.

Qua Lào, cô giáo Hạnh dạy lớp 2, Trường Phổ thông hữu nghị Lào - Việt, tỉnh Savannakhet. Mỗi tháng, Hội Người Việt Nam tỉnh Savannakhet hỗ trợ cho cô cùng những giáo viên khác khoảng 2,8 triệu đồng/người để tự lo ăn uống, sinh hoạt. Chỗ ở được bố trí trong những căn phòng nhỏ của dãy nhà tập thể. Mỗi năm, cô Hạnh được về quê 2 lần vào dịp Tết Nguyên đán và nghỉ hè. “Chúng tôi tự bắt xe khách để về. Số tiền lương chưa đầy 3 triệu đồng vốn không đủ chi tiêu ở nơi đất khách quê người, những lúc đau ốm, bệnh tật thì còn vất vả hơn. Hầu hết, chúng tôi đều phải xin thêm tiền của gia đình để sinh hoạt”, cô Hạnh nhớ lại.

Nếm trải nhiều vất vả, khó khăn nhưng cô Hạnh và những giáo viên khác vẫn bám trụ dạy tình nguyện cho con em người Việt tại Lào. Sau 3 năm dạy học, tháng 5/2020, cô Hạnh được Trường Phổ thông hữu nghị Lào - Việt và Hội Người Việt Nam tỉnh Savannakhet xác nhận trong thời gian công tác từ năm 2017-2020, đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, hết lòng giảng dạy, giáo dục học sinh bằng sự nhiệt tình của một giáo viên, phục vụ tốt sự nghiệp giáo dục… “Cầm giấy chứng nhận về nước, tôi suy sụp khi biết rằng ngày 9/7/2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra Quyết định số 31/2019/QĐUBND để bãi bỏ Quyết định số 10 ban hành trước đó. Điều này có nghĩa là tôi không được xét tuyển đặc cách nữa. Khi đi tình nguyện hồ hởi, hy vọng bao nhiêu thì khi trở về lại buồn, thất vọng bấy nhiêu”, cô Hạnh nói.

Đồng cảnh ngộ, tháng 8/2018, cô giáo Phan Thị Thùy Dung (sinh năm 1990), trú tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh nhận quyết định đi dạy tình nguyện 3 năm tại Trường Phổ thông hữu nghị Lào - Việt. Trước đó, năm 2012, cô Dung tốt nghiệp ngành Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế. Sau một thời gian làm công tác văn phòng ở Trường THCS và THPT Bến Quan nhưng không có cơ hội vào biên chế, nên tháng 8/2018, cô Dung tình nguyện sang Lào giảng dạy tiếng Việt ở Trường Phổ thông hữu nghị Lào-Việt. Lúc đi, cô Dung đã có chồng và 2 con nhỏ, con đầu 3 tuổi, con út 1 tuổi. “Tôi qua đó tự học tiếng Lào để giao tiếp. Đến nay tôi mới giảng dạy 2 năm ở Lào. Chưa hoàn thành nghĩa vụ nhưng Quyết định số 31 của UBND tỉnh khiến tôi rất hoang mang, lo lắng. Đi tiếp thì bỏ phí công sức 3 năm dạy học bên đó, nhưng quay về thì cũng không ổn. Chồng tôi đã chấp nhận vất vả, ở nhà nuôi con nhỏ đợi tôi về để được xét tuyển đặc cách, có công việc ổn định. Nhưng bây giờ, tôi thấy tương lai mờ mịt quá”, cô Dung chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, hiện trên địa bàn tỉnh có 13 giáo viên không được xét tuyển đặc cách vì chiếu theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh. Hầu hết, sau khi hoàn thành 3 năm nghĩa vụ dạy học ở Lào, các cô đi xin việc nhiều nơi nhưng đều chưa có công việc ổn định mà đi làm thuê bằng nhiều nghề khác nhau.

Cần có giải pháp tháo gỡ

Để tìm giải pháp tháo gỡ, phóng viên Báo Quảng Trị đặt những câu hỏi, chuyển tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên đến với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương. Bà Hương cho hay, thực hiện chủ trương của tỉnh về quan hệ hợp tác với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, hằng năm Hội Người Việt Nam tỉnh Savannakhet, Lào và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị thực hiện ký kết văn bản thỏa thuận cử giáo viên tham gia giảng dạy tại Lào. Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt, âm nhạc, thể dục cho con em Việt kiều tại Lào theo năm học. Tiêu chí tuyển chọn giáo viên là trẻ, nhiệt huyết, giao tiếp tốt, chưa vào biên chế ngành, ưu tiên tốt nghiệp loại giỏi. Lương và thu nhập khác của giáo viên do Hội Người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet chi trả.

Theo bà Hương, trước đây thực hiện Quyết định số 10 của UBND tỉnh, các giáo viên tình nguyện sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy 3 năm học tại Lào sẽ được ưu tiên tuyển dụng đặc cách khi có chỉ tiêu biên chế tại các địa phương. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 161/2018 ngày 29/11/2018 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, viên chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31 thay thế Quyết định số 10. Theo đó, các giáo viên hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy tại Lào không nằm trong diện được xét tuyển đặc cách. Khi Quyết định số 31 có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần có văn bản trình UBND tỉnh để tìm phương án tháo gỡ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên tình nguyện tại Lào. Mới đây, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu phương án trình UBND tỉnh phê duyệt.

Các giáo viên dạy tình nguyện tại Lào mà phóng viên Báo Quảng Trị tiếp xúc đều có chung mong muốn Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm có phương án tối ưu trình UBND tỉnh phê duyệt để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho họ. Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế mới trong việc tuyển dụng những giáo viên dạy tình nguyện tại Lào cho những năm tiếp theo.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hàng triệu trẻ em có nguy cơ phải bỏ học hoàn toàn do dịch bệnh

Đặng Ánh |

Tổ chức Bảo vệ trẻ em cảnh báo COVID-19 đang gây ra tình trạng khẩn cấp về giáo dục chưa từng thấy với 9,7 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa và có nguy cơ không bao giờ quay lại lớp.

10 ngày tới, cả nước tiếp tục nắng nóng, có mưa dông vào chiều tối

Diệu Thúy |

10 ngày tới (từ đêm 11-21/7), hầu hết các khu vực trên cả nước có mưa dông, tập trung vào chiều tối và đêm; ngày nắng nóng; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Gian nan cuộc truy tìm "trai Tây" lừa tình, đoạt tiền

Minh Trí |

Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm vào chị em phụ nữ. Với chiêu trò giả là những doanh nhân thành đạt, hoặc cựu lính Trung Đông... các đối tượng đã làm quen kết bạn, tán tỉnh hứa sẽ kết hôn, gửi quà... và "chăn" được hàng trăm triệu đến tỷ đồng của các bị hại.

Một lao động Myanmar từ Lào về nước dương tính với Covid-19

Tổng hợp |

Ủy ban đặc trách về phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bokeo hôm 10/7 thông báo về việc có một công dân Myanmar, trở về nước từ đặc khu kinh tế Tam giác vàng tại tỉnh này, được xác nhận dương tính với virus SARS-Cov-2.