Sẽ công khai danh sách bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp

Thúy Hiền |

Có 39/52 bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%; trong đó, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với địa phương (Nghị quyết số 88/NQ-CP), Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ hàng tháng công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và Cổng thông tin điện tử.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phê bình, các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm; biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5/2023, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết 628.778,247 tỷ đồng, ước đạt 88,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; thanh toán ước đạt 22,22% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỷ đồng.

Có 39/52 bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%; trong đó, có 32 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có kết quả đạt thấp, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%.

Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).

Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều hòa nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi tổng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị, bảo đảm giải ngân toàn bộ nguồn vốn của Chương trình trong năm 2023 theo quy định; đồng thời, giao 2 bộ này nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2023 về phương án giảm thủ tục, thời gian thực hiện và sử dụng vốn ODA, kể cả phương án sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Do đó, tại Nghị quyết số 88/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 của từng bộ, cơ quan, địa phương; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; kịp thời báo cáo chi tiết khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết theo thẩm quyền để Tổ trưởng, Thành viên Tổ công tác xem xét, xử lý.

Cũng tại Nghị quyết số 88/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan, khẩn trương trình Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 để xem xét, ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế, không trái với quy định và cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 2 và cả năm 2023; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp, kịp thời; phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý, kiến nghị cụ thể phương án sửa đổi, thay thế, bãi bỏ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023.

 (Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công, nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ

Minh Khôi |

Ngày 27/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương về tiến độ giao và giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay.

Nỗ lực hết sức, tháo gỡ đến cùng để giải ngân vốn đầu tư công

Đình Nam |

Ngày 26/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích nhân dân

PV |

Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ

PV |

Thông qua các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, sản phẩm dịch vụ đặc thù phù hợp với từng nhóm khách hàng, các ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.