Nỗ lực hết sức, tháo gỡ đến cùng để giải ngân vốn đầu tư công

Đình Nam |

Ngày 26/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 30/9, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ chi tiết 100% vốn dầu tư công, giải ngân được 2.603/12.539 tỷ đồng được giao, đạt 20,77%. Trong đó 7/12 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp, dưới 20% là: Hội Nhà báo Việt Nam (2,45%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (3,55%), Bộ Y tế (7,86%), Đại học Quốc gia TPHCM (13,71%), Hội Luật gia Việt Nam (14,36%), Đại học Quốc gia Hà Nội (15,03%), Hội Nhà văn Việt Nam (15,42%).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để xử lý những khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù trong lĩnh vực khoa học, văn hoá khi triển khai các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để xử lý những khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù trong lĩnh vực khoa học, văn hoá khi triển khai các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản - Ảnh: VGP/Đình Nam

Dự kiến đến hết năm 2022, Bộ GD&ĐT cam kết giải ngân 57,88%, Bộ LĐ-TB&XH là 74%, Bộ TT&TT là 89,15%, Bộ Y tế là 71,4%, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 14,91%, Đại học Quốc gia TPHCM là 40%, Đại học Quốc gia Hà Nội là 35,3%; Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam cam kết hoàn thành giải ngân 100%…

Đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương cho biết sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm và báo cáo một số vướng mắc khó khăn đang gặp phải.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục xin phép điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong năm 2022 đã được phân bổ - Ảnh: VGP/Đình Nam
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục xin phép điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong năm 2022 đã được phân bổ - Ảnh: VGP/Đình Nam

Cụ thể, theo tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến, phản ánh của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư công chủ yếu là về thẩm quyền phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành thông tư để tháo gỡ ngày 19/10); chưa có quy định nhất quán cho phép tách khâu giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, tài sản  bảo đảm các khoản vay lại.

Trong tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn chưa sát với khả năng thực hiện; khảo sát thiết kế chưa tốt; quá trình triển khai dự án còn bất cập, hạn chế do tính đặc thù của từng bộ, ngành, năng lực chưa tốt của chủ đầu tư, ban quản lý dự án; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (đơn giá đền bù, khiếu kiệu của người dân).

Báo cáo cụ thể những dự án đang gặp khó khăn, không giải ngân được, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương đã đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước trong năm 2022.

Đối với những dự án có thể giải ngân nhưng đang chậm trễ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương mong muốn các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng… phối hợp chặt chẽ để giải quyết ngay những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án…; đề xuất kéo dài thời gian thực hiện.

Đại diện các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương cho biết sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022 - Ảnh: VGP/Đình Nam
Đại diện các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương cho biết sẽ tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022 - Ảnh: VGP/Đình Nam

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực hết sức, tháo gỡ đến cùng để giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng "có tiền mà không tiêu được"; đồng thời những dự án không giải ngân được thì khẩn trương làm thủ tục để hoàn trả lại vốn đã phân bổ về ngân sách.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để xử lý những khó khăn, vướng mắc mang tính đặc thù trong lĩnh vực khoa học, văn hoá khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

"Hôm qua (25/10), khi kiểm tra Dự án cải tạo, nâng cấp Thư viện Quốc gia, tôi đã lưu ý việc đầu tư, tôn tạo một thư viện quốc gia tiến tới sẽ trở thành một di sản văn hoá, kiến trúc thì phải khác xây một công trình dân dụng bình thường, tương tự đầu tư, xây dựng các cơ sở khoa học cũng vậy", Phó Thủ tướng trao đổi.

Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương nghiên cứu, chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư sát với khả năng thực hiện, với định mức kỹ thuật phù hợp, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn cao nhất. "Thay vì xây mới 10 công trình, có thể chỉ làm 1-2 công trình nhưng thật kỹ càng, chuẩn mực, đấy là tiết kiệm nhất", Phó Thủ tướng nói.

(Nguồn: Báo Chính phủ)

Quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích nhân dân

PV |

Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngân hàng đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ

PV |

Thông qua các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, sản phẩm dịch vụ đặc thù phù hợp với từng nhóm khách hàng, các ngân hàng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Trị và Quảng Bình

B.T |

Ngày 29/8, tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tham dự làm việc. 

Thủ tướng chỉ đạo các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

B.A |

Thủ tướng chỉ đạo các Tổ trưởng Tổ công tác sắp xếp thời gian để tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối tháng 8/2022, phải lựa chọn đi trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác của mình và có hình thức kiểm tra phù hợp với các bộ, cơ quan, địa phương còn lại.