Ngày 29/8, tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì buổi làm việc của Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tham dự làm việc.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, năm 2022 khối lượng giải ngân vốn đầu tư công rất lớn do ngoài nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, còn có các vốn của chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đến nay, tỉ lệ giải ngân trên cả nước mới đạt khoảng 40%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tỉ lệ giải ngân của Quảng Trị, Quảng Bình đạt dưới mức trung bình chung của cả nước. Đề nghị lãnh đạo tỉnh làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 31/7, tỉ lệ giải ngân của Quảng Trị đạt 23,4% vốn ngân sách Trung ương; tỉ lệ giải ngân của Quảng Bình đạt 27,5% vốn ngân sách Trung ương, đều thấp hơn so với mức trung bình chung của cả nước là 34,47%.
Theo lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, nguyên nhân giải ngân chậm là do thời gian giao vốn năm 2021 chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do giá đất tăng; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án mới dài; năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế. Lãnh đạo các tỉnh đều cam kết sẽ nỗ lực để đạt mức giải ngân cao nhất trong năm 2022 để vừa thúc đẩy phát triển KT-XH, vừa tạo động lực thu hút vốn đầu tư vào địa phương.
Đồng thời kiến nghị đối với các dự án đầu tư công, các bộ, ngành trung ương cần phối hợp thẩm định một lần để rút ngắn thời gian chuẩn bị; các bộ, ngành nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành nhìn nhận những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm của Quảng Trị và Quảng Bình cũng là nguyên nhân phổ biến ở các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, với cùng một mặt bằng thể chế, sự quyết tâm của các tỉnh là nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự khác biệt về tỉ lệ giải ngân giữa các địa phương.
Tại hai địa phương, số vốn cho các dự án chuyển tiếp từ năm 2021 chiếm phần lớn trong tổng số vốn được giao năm 2022, điều đó đồng nghĩa với việc các dự án đã có quá trình chuẩn bị dài nhưng tỉ lệ giải ngân của hai tỉnh còn thấp.
Về vướng mắc giá cả nguyên vật liệu, giá thép xây dựng phụ thuộc vào tình hình giá cả trên thị trường thế giới và mức độ đầu tư xây dựng trong nước nhưng hiện giá thép đã hạ xuống mức sát năm 2020.
Giá cả vật liệu qua nung được kiểm soát chặt chẽ nhưng có hiện tượng đầu cơ giá nguyên vật liệu không qua nung. Đề nghị các tỉnh bám sát tình hình giá cả vật liệu xây dựng, đốc thúc các nhà thầu đã nhận vốn nhanh chóng triển khai trên thực tế các dự án, nhất là các dự án chuyển tiếp từ năm 2021.
Kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao cam kết của Quảng Trị và Quảng Bình trong việc phấn đấu giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2022. Phó Thủ tướng nêu rõ tỉ lệ giải ngân chậm có nguyên nhân chủ quan là công tác chuẩn bị dự án chưa thật sự kỹ lưỡng nên khi triển khai gặp vướng mắc; công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế.
Những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các địa phương, lãnh đạo tỉnh phải chịu trách nhiệm và quyết tâm cao để tập trung tháo gỡ. Những vấn đề vượt thẩm quyền, các bộ, ngành trung ương phối hợp chặt chẽ để tham mưu và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó có những vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các địa phương báo cáo rõ danh mục những văn bản hướng dẫn nào còn thiếu để các bộ, ngành tập trung xây dựng, ban hành.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)