Bộ GDĐT sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh sai quy định, đồng thời thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này.
Bộ GDĐT khẳng định, cho tới thời điểm này, Bộ chưa nhận được danh sách các trường hợp đã được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Quan điểm của Bộ GDĐT là kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này.
Hiện, lãnh đạo Bộ GDĐT đã giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Trường ĐH Đông Đô và có văn bản yêu cầu Trường ĐH Đông Đô nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.
Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của Trường Đại học Đông Đô và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp.
Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.
Về hành vi sử dụng văn bằng không hợp pháp, pháp luật đã có quy định đầy đủ về các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của Trường ĐH Đông Đô để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng bản chất.
Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Bộ GDĐT vụ việc xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là bài học cho toàn ngành. Ngay sau khi phát hiện vụ việc vào tháng 4.2019, Bộ GDĐT đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở GDĐH và các trường CĐSP rà soát đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2; thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.
Trong hai năm gần đây Bộ GDĐT cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở GDĐH, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.
Bộ GDĐT đã và đang rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước để theo kịp với thực tiễn, vừa đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH, vừa nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường cũng như tăng cường khả năng giám sát của các cơ quan quản lý và của toàn xã hội.
Đồng thời, Bộ GDĐT tiến hành rà soát và cải tiến các quy trình, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ GDĐT.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH cùng với các công cụ phân tích dữ liệu, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản lý và giám sát hoạt động của toàn hệ thống.
Bộ GDĐT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan chủ quản, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các cơ quan báo chí để tăng cường giám sát, phát hiện vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
(Nguồn: Báo Lao Động)