Sẽ xét nghiệm 10.000 mẫu trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng

Diệp Trương |

Dự kiến, ngày 28/7 sẽ có kết quả của khoảng 4.000 mẫu xét nghiệm của các cán bộ y tế thành phố Đà Nẵng, ngoài ra, ngành Y tế sẽ lấy 10.000 mẫu máu trong cộng đồng.

Sáng 27/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cho biết, Bệnh viện Đà Nẵng đã chuyển 1.700 mẫu huyết thanh của cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện để xét nghiệm bằng bộ test kit mới do Việt Nam sản xuất trên hệ thống Elisa (phương pháp xét nghiệm trên hệ thống máy móc có tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên).

Dự kiến, trong ngày 27/7 sẽ tiếp tục lấy 2.000 mẫu của Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Nhân viên xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng tích cực xét nghiệm các mẫu tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Nhân viên xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng tích cực xét nghiệm các mẫu tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Dự kiến, ngày 28/7 sẽ có kết quả của khoảng 4.000 mẫu xét nghiệm của các cán bộ y tế thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, ngành Y tế sẽ lấy 10.000 mẫu máu trong cộng đồng.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm dịch COVID-19 tại Đà Nẵng. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân tích, giải mã trình tự gen virus SARS-CoV-2 trên mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân mắc mới.

Kết quả cho thấy virus SAR-CoV-2 đã biến đổi gene, tăng khả năng bám dính vào cơ thể cũng như khả năng lây nhiễm, làm lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực.

Nhấn mạnh trước đó, Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SAR-CoV-2, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Chủng virus SARS-CoV-2 này mới so với các chủng trước đây đã phát hiện, lưu hành tại Việt Nam. Hiện chưa rõ nguồn lây chính xác nhưng nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào từ đầu tháng 7."

Theo đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo sát sao trước diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh việc thực hiện áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố từ 13 giờ ngày 26/7, phong tỏa các ổ dịch có liên quan đến các trường hợp mắc mới, Bộ Y tế và thành phố Đà Nẵng thống nhất phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Đây là những nơi có nguy cơ ổ lây nhiễm lớn nhất cho đến thời điểm hiện nay, tương tự như ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai trước đó. Bộ Y tế khuyến nghị, những người đi, đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 trở lại đây phải thực hiện khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và các cơ quan y tế để theo dõi sức khỏe.

"Người đến những nơi đang phong tỏa tại Đà Nẵng phải tự cách ly tại nhà để lực lượng y tế đến lấy mẫu xét nghiệm," ông Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Liên quan đến phân tuyến trong điều trị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ sử dụng Bệnh viện Trung ương Huế - nơi đã từng điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 trước đó để phục vụ công tác điều trị trong điều kiện cần thiết.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là trách nhiệm của thành phố Đà Nẵng, tất cả các địa phương khác trên cả nước phải tăng cường kiểm soát dịch bệnh như 3 tháng trước đây.

Trong đó, các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định phòng hộ, phân luồng cách ly bệnh nhân đến khám, bao gồm cả các phòng khám tư nhân.

Phát huy kinh nghiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt xử lý ổ dịch lớn trước đây, Phó Thủ tướng nêu rõ việc thực hiện 2 mục tiêu: Dập dịch nhanh và giữ vững ổn định xã hội.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, truyền bệnh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tăng cường công tác tập huấn, thử nghiệm các kit thử khác nhau do Việt Nam sản xuất trước đó.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an rà soát tất cả người nước ngoài; ưu tiên xét nghiệm tìm kháng thể trên những đối tượng này.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đối với những người đi từ Đà Nẵng trở về từ ngày 1/7 thông báo tới chính quyền địa phương và cơ quan y tế để theo dõi sức khỏe.

Những đối tượng đi qua các ổ dịch tại Đà Nẵng cần phải được theo dõi và cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Bắt giữ kẻ cầm đầu đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng

Quốc Dũng |

Theo thông tin ban đầu, Cao Lượng Cố được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam thời gian qua.

Lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần với ca bệnh 419

PV |

Ngày 14/7, bệnh nhân có đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để chăm anh đang điều trị, đến ngày 17/7 về Quảng Ngãi trên xe khách.

Những ai từng đến 9 điểm sau ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi cần liên hệ y tế gấp

Võ Thu |

Những người từng đến chợ đầu mối Hòa Cường ở Đà Nẵng hay quán bún Cô Nở ở Quảng Ngãi,... cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ...

Phó Thủ tướng Thường trực thăm nạn nhân vụ tai nạn giao thông ở Quảng Bình

Lê Phi Long |

Ngày 26/7 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm các nạn nhân vụ tai nạn nghiêm trọng tại Phong Nha - Kẻ Bàng đang được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.