Khảo nghiệm các loại cây, con, tìm ra những giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và tập quán canh tác của từng địa phương để chuyển giao cho nông dân nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh đất đai và lao động là nhiệm vụ hàng đầu của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị. Với mục đích đó, mô hình thâm canh chuối tiêu hồng an toàn thực phẩm được Trung tâm Khuyến nông xây dựng ở huyện Đakrông bước đầu khẳng định tính thích nghi và mang lại hiệu quả khá cao so với một số loại cây trồng khác ở vùng núi.
Gia đình ông Hồ Văn Tia, ở thôn A Ngo, xã A Ngo tham gia mô hình thí điểm thâm canh chuối tiêu hồng an toàn thực phẩm với diện tích 1 ha từ tháng 11/2021. Được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón và được cán bộ kỹ thuật của trung tâm hướng dẫn cụ thể cách thiết kế vườn, chia lô trồng, bảo vệ và kỹ thuật trồng, chăm sóc như: làm đất, đào hố, bón phân, tỉa chồi, ngắt hoa (bắp chuối), bao buồng quả... đã giúp cho ông Tia biết cách trồng chuối tiêu hồng theo đúng kỹ thuật.
Với mật độ trồng 2.000 cây/ha, ông Tia làm đúng theo hướng dẫn nên chuối phát triển tốt. Ông thường xuyên theo dõi vườn chuối để sớm phát hiện sâu bệnh và được hướng dẫn phòng trừ kịp thời. Vườn chuối cũng được ông đầu tư chống đổ và bảo vệ cẩn thận. Đến nay, vườn chuối sắp thu hoạch nên ông đã làm vệ sinh vườn cẩn thận để tiến hành thu hoạch đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Hồ Văn Tia cho biết: “Đất vườn nhà tôi khá tốt nhưng trước đây trồng chuối lùn hiệu quả thấp. Nay có cán bộ hỗ trợ giống chuối tiêu hồng, phân bón và tận tình hướng dẫn kỹ thuật nên tôi tích cực làm theo. Nhờ vậy, chuối phát triển tốt, không bị sâu bệnh, quả đẹp, đến nay chuẩn bị thu hoạch. Mặc dù hiện nay chuối bán rẻ hơn trước nhưng tôi cũng rất phấn khởi vì từ nay gia đình tôi đã biết cách trồng chuối tiêu hồng đúng kỹ thuật để có năng suất cao, thu nhập tốt”. Mô hình được thực hiện theo đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị”. Trước khi thực hiện mô hình thí điểm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát tại 5 xã trồng chuối của huyện Đakrông là: A Ngo, A Vao, A Bung, Tà Rụt, Mò Ó để đánh giá cụ thể về thực trạng sản xuất chuối như: tình hình sản xuất, canh tác cây chuối của hộ, diện tích trồng chuối tiêu hồng và chuối lùn bản địa, thời vụ trồng chuối trong năm; tập quán canh tác về mật độ, khoảng cách, bón phân, chăm sóc...Qua điều tra cho thấy các hộ dân chủ yếu trồng chuối tự phát, theo kinh nghiệm chứ không ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mật độ trồng dày, khoảng 4.000 - 5.000 cây/ha. Hầu như không bón phân, không tỉa cây con mà để các chồi phát triển thành bụi, năng suất thấp, buồng ngắn, ít nải...
Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, để khắc phục những hạn chế của việc trồng chuối theo tập quán truyền thống của nông dân, tháng 11/2021, trung tâm đã tiến hành thiết kế lô trồng và các ô thí điểm; hướng dẫn người dân thực hiện các công đoạn làm đất, xử lý đất, đào hố và bón phân. Người dân tham gia đề tài được hỗ trợ toàn bộ giống, vật tư, phân bón để phục vụ mô hình, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo phương pháp tiến bộ.
Sau 1 năm triển khai mô hình thí điểm, trung tâm đã định kỳ theo dõi, chăm sóc, bảo vệ, đo đếm số liệu đúng giai đoạn, quy trình kỹ thuật. Hiện tại vườn chuối bắt đầu thu hoạch, nhóm cán bộ kỹ thuật tiếp tục triển khai theo dõi, hoàn thiện các chỉ tiêu phát triển, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất, test mẫu kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (quả chuối chín) và tiếp tục hướng dẫn thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật.
So với các năm trước, năm nay giá chuối trên thị trường xuống thấp hơn, giá thu mua tại vườn chỉ từ 3.000 - 3.500 đồng/kg (các năm trước 5.000 đồng/ kg), hiện tại vườn mới bắt đầu cho thu hoạch, chưa có năng suất thực thu chính thức, dự kiến năng suất thu được khoảng 45 - 47 tấn/ha, ước tính đạt thu nhập từ 150 - 165 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 80 - 90 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác.
Bà Lê Thị Tú, chủ nhiệm đề tài, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, đề tài được nghiên cứu nhằm xây dựng mô hình thí điểm đạt kết quả tốt để nhân ra diện rộng, bổ sung nguồn giống, từng bước thay thế giống chuối tiêu lùn bản địa ở địa phương đang bị thoái hóa, góp phần đưa cây chuối tiêu hồng trở thành cây trồng chủ lực, cây đặc sản của huyện Đakrông, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Qua thực hiện đề tài sẽ hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh”.
Cùng với các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế khá ở Đakrông như dưa hấu, nếp than, đậu đen xanh lòng... thì phát triển cây chuối cũng là một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo tiền đề cho việc tổ chức lại sản xuất theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững đối với huyện Đakrông. Giống chuối tiêu lùn bản địa có hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng, nhưng hiện nay giống chuối này đang dần bị thoái hóa và có nguy cơ mất giống.
Bên cạnh tìm những phương án phục hồi lại giống chuối tiêu lùn bản địa thì việc du nhập và canh tác giống chuối tiêu hồng có những đặc điểm hình thái quả và chất lượng nổi trội tương đương chuối tiêu lùn là việc làm cần thiết. Với đặc điểm mẫu mã quả vàng đẹp, hương vị thơm ngon, thịt quả chắc và không chua, chuối tiêu hồng đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu thâm canh chăm sóc tốt sẽ cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Với mục đích canh tác chuối đúng kỹ thuật, khai thác tốt tiềm năng đất đai trên đơn vị diện tích, mang lại năng suất, chất lượng cao, đảm bảo độ đồng đều, sạch bệnh, sử dụng giống theo phương pháp nuôi cấy mô thì mô hình thử nghiệm thâm canh chuối tiêu hồng đã đạt được những kết quả tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, bền vững ở huyện Đakrông.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)