Tết Trung thu đang đến gần. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của COVID - 19, tình hình kinh doanh hàng hóa đồ chơi trẻ em và bánh trung thu trên thị trường khá ảm đạm, sức mua hiện tại chưa cao; các chợ trung tâm và siêu thị, cửa hàng lớn chưa trang hoàng và nhập nhiều hàng hóa cùng thời điểm như mọi năm.
Báo cáo kết quả kiểm tra dịp tết Trung thu năm 2021 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị từ ngày 20 - 30/7 âm lịch cho thấy, thị trường hàng hóa phục vụ tết Trung thu trên địa bàn tỉnh chủ yếu do trong nước sản xuất và không được các cơ sở kinh doanh nhập về nhiều như những năm trước, chủng loại hạn chế.
Do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó Quảng Trị và các tỉnh lân cận đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, nên các cơ sở kinh doanh hàng hóa phục vụ tết Trung thu năm nay không dám nhập hàng về nhiều. Có mặt tại những cửa hàng bán bánh trung thu trên các tuyến đường trung tâm của thành phố Đông Hà như Hùng Vương, Quốc lộ 9, Trần Hưng Đạo, chợ, siêu thị và các gian hàng lưu động tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, theo quan sát của chúng tôi, số lượng quầy hàng ít hơn hẳn mọi năm, hàng quán thưa vắng khách.
Chị Trần Thị Gái, chủ cửa hàng Phi Hùng chuyên bán bánh kẹo và đồ chơi trẻ em khá lớn trên đường Hùng Vương, thành phố Đông Hà cho biết, năm nay hàng hóa phục vụ Tết Trung thu rất ế ẩm, lượng khách mua hàng giảm 80-90%. “Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ nên chỉ một số mặt hàng thiết yếu được mở cửa. Các năm trước cửa hàng của tôi bán cả đồ chơi trẻ em và bánh trung thu, khi bố mẹ dẫn các cháu đi chơi thì thường mua cả hai thứ cùng lúc, kinh doanh khá thuận lợi. Nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều cơ sở kinh doanh không dám nhập hàng về nhiều, đặc biệt là đồ chơi trẻ em vì sợ không bán được”, chị Gái cho biết thêm.
Tại các gian hàng lưu động của các thương hiệu bánh nổi tiếng Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica… thuê địa điểm bán mùa Trung thu ở Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, lượng khách mua hàng cũng rất ít. Một nhân viên bán hàng của nhà phân phối Công ty TNHH Đức Lợi cho biết, các dòng sản phẩm thương hiệu bánh Kinh Đô nổi tiếng năm nay không có nhiều thay đổi so với mọi năm, tuy nhiên lượng khách đặt hàng và đến mua hàng trực tiếp tại gian hàng lưu động của công ty giảm sâu. Thời điểm này năm ngoái khách đặt hàng mua bánh để tặng, biếu ông bà, cha mẹ… khá nhộn nhịp thì năm nay thưa vắng, có ngày không bán được sản phẩm nào. Các gian hàng chuyên bán bánh trung thu của các thương hiệu bánh Hữu Nghị, Bibica bên cạnh cũng chung cảnh ế ẩm tương tự.
Cùng chung tình trạng sức mua ế ẩm ở các quầy hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em và bánh trung thu, các quầy tạp hóa trên địa bàn cũng không dám nhập hàng trung thu về bán. Chị Hiền, chủ quầy tạp hóa Vương Hiền ở Phường 5, thành phố Đông Hà cho biết, không chỉ hàng hóa phục vụ tết Trung thu mà các mặt hàng bánh kẹo năm nay bán được rất ít.
“Ảnh hưởng của COVID-19, nhiều người lao động phải ở nhà không có thu nhập, lấy đâu ra tiền mua đồ chơi và bánh trung thu cho con. Một số khách hàng từ các huyện khác như Cam Lộ trở về từ Đông Hà buộc phải khai báo y tế nên họ cũng lười đi mua sắm. Mặt khác, qua tìm hiểu thì năm nay nhiều người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh đã tìm hướng làm bánh handmade (bánh tự làm thủ công) để bán, giá thành bánh handmade lại rẻ, lường trước sức mua giảm nên quầy tạp hóa của tôi cũng không nhập hàng trung thu về nhiều, chỉ đủ bán hằng ngày”, chị Hiền nói.
Trước tác động của COVID-19, không chỉ sức khỏe, tâm lý của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, mà tài chính cũng hạn chế. Vì vậy, nhu cầu về bánh trung thu cũng có ảnh hưởng. Chị Trang Nguyễn ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ cho biết, mọi năm dịp tết Trung thu thường cả nhà đưa nhau về thành phố Đông Hà chơi, ăn uống rồi mua bánh trung thu và đồ chơi đèn ông sao, đèn lồng cho con. Năm nay, huyện thông báo bắt buộc khai báo y tế khi trở về từ thành phố Đông Hà, nên gia đình chỉ ở nhà đặt mua bánh handmade về ăn, vừa tiết kiệm thêm được khoản chi tiêu trong thời buổi dịch bệnh khó khăn.
Để bình ổn thị trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Tổng Cục Quản lý thị trường đã ban hành Công văn số 1799 ngày 20/8/2021 về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường tết Trung thu năm 2021. Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, nguyên liệu, thành phẩm; chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng các trang mạng xã hội để bán hàng online.
Đến nay, đơn vị đã tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 268 lượt hộ sản xuất kinh doanh; ký cam kết với 45 cơ sở trên địa bàn về chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm (ATTP); treo băng rôn tuyên truyền về ATTP trên các tuyến đường trung tâm huyện, thị xã, thành phố. Phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó tập trung vào các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết Trung thu. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi qua địa bàn.
Để bảo vệ sức khỏe của gia đình và người thân, người tiêu dùng khi lựa chọn mua sản phẩm bánh trung thu cần chú ý đến các thông tin về sản phẩm như thương hiệu, uy tín, thành phần, xuất xứ, hạn sử dụng của sản phẩm…Đối với bánh trung thu handmade ít được kiểm định chất lượng và hạn sử dụng ngắn ngày, từ 5-7 ngày đối với bánh nướng và 3-5 ngày đối với bánh dẻo, nên người tiêu dùng cần đặt hàng ở nơi có uy tín để sử dụng nhằm đảm bảo ATTP và phòng chống dịch bệnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)