Theo quy định, người dân khi làm thẻ căn cước công dân gắn chip theo 4 bước khá thuận tiện và nhanh chóng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tiến (Đoàn Luật sư Hà Nội), để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử.
Theo dự kiến, Bộ Công an sẽ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho khoảng 50 triệu công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Trong đó, riêng TP Hà Nội sẽ cấp cho khoảng 2,5 triệu người.
Luật sư Tiến cho rằng, thủ tục để cấp thẻ căn cước công dân khá đơn giản và thuận tiện, nhanh chóng.
Về thủ tục đổi chứng minh nhân dân, căn cước công công dân mã vạch sang thẻ căn cước công dân gắn chip như sau:
Bước 1: Công dân đến địa điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại căn cước công dân; Mang CMND/CCCD mã vạch đến (không cần mang giấy tờ gì thêm).
Bước 2: Cán bộ thu nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân từ “Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân” trong phần mềm cấp căn cước công dân đã được cập nhật, đồng bộ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để xác định chính xác người được cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.
Bước 3: Công dân nộp lại chứng minh nhân dân cũ và nộp lệ phí đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân gắn chip theo quy định.
Trường hợp chứng minh nhân dân còn rõ nét, cán bộ tiến hành cắt góc và trả lại cho công dân khi trả thẻ căn cước công dân mới. Nếu chứng minh nhân dân bị hỏng, bong tróc thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải thu và hủy.
Bước 4: Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân cho người đến làm thủ tục.
Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan công an lập danh sách, phối hợp với bưu điện để thực hiện và công dân phải trả phí chuyển phát theo quy định.
(Nguồn: Báo Lao Động)