TPHCM: Hơn 1.500 học sinh mồ côi vì dịch COVID-19

Thanh Mai |

Theo Sở GD&ĐT, dịch Covid-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người dân, bao gồm cả học sinh, giáo viên. 

Tại buổi làm việc trực tuyến với Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM về tình hình học sinh học tập đầu năm học 2021-2022, sáng 14/9, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết có 1.517 học sinh TP.HCM rơi vào cảnh mồ côi và hơn 10.000 em mắc Covid-19 từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát.

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động toàn ngành mất việc làm là 12.341 người, 10.129 người (chiếm 82,08%) bị hủy hoặc hoãn hợp đồng lao động ở bậc mầm non. Các ngành, cấp, tổ chức đoàn thể địa phương đã hỗ trợ hơn 24 tỷ đồng.

 

Thời điểm đầu năm học mới, toàn thành phố có 1.253 cơ sở trường học trưng dụng làm điểm cách ly, hỗ trợ tiêm, lưu trú của bộ đội, trạm y tế lưu động và các hoạt động khác. Hiện, 14.312 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết ở bậc tiểu học có 94,34% học sinh tham gia học trên Internet; 0,73% học sinh đăng ký học tạm tại quê.

Ở bậc trung học, 93,91% học sinh THCS, 97,52% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Có 0,21% học sinh THCS và 0,07% học sinh THPT đăng ký học tạm tại quê. Hệ giáo dục thường xuyên có 88,62% học sinh học trực tuyến và 0,45% học sinh đăng ký học tạm tại quê.

Đến ngày 11/9, thành phố có 90,17% giáo viên đã được tiêm vaccine, trong đó 55,96% giáo viên tiêm đủ 2 mũi.

Sở giáo dục thống kê tỷ lệ sách giao đến học sinh có nhu cầu đạt tỷ lệ hơn 71%. Hơn 17% học sinh chưa có sách, trong đó, bậc tiểu học là 21,92%, THCS 9,15%. Sở đã phối hợp triển khai sách giáo khoa điện tử đến tất cả cơ sở giáo dục, thông tin, hướng dẫn phụ huynh, học sinh sử dụng miễn phí.

Về việc hỗ trợ trẻ mồ côi vì COVID-19, Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, theo quy định mức trợ cấp hàng tháng cho trẻ mồ côi dưới 4 tuổi là 900.000 đồng, trên độ tuổi này là 540.000 đồng.

Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản khác ở trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội được duy trì đến 22 tuổi khi các em học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học.

Hiện các quận, huyện và TP Thủ Đức vận động để giúp đỡ cho trẻ mồ côi vì COVID-19 với mức hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng, nhu yếu phẩm. Ngoài chính sách cho trẻ mồ côi, các em là F0 cũng được giúp đỡ 1 triệu đồng, tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị, cách ly tập trung. Các em được chi trả tất cả chi phí khám, chữa bệnh liên quan COVID-19.

Trước đó, Bộ LĐTB&XH quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng với những em bé sinh từ 27/4 đến 31/12, có mẹ mắc COVID-19. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng dành cho các em có cha, mẹ là F0 đã qua đời; các em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi do đại dịch. Nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trợ trẻ em.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

TAGS

COVID-19 có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ em không?

CTV Lương Trâm |

Các chuyên gia đã nhận định mắc COVID-19 dường như không ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ em và thanh niên.

Đồng hành với trẻ em và phụ nữ vùng nông thôn vượt khó

Nguyễn Trang |

Chương trình Tài chính vi mô thuộc Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam đang hoạt động ở 10 huyện của 4 tỉnh miền Trung và miền Bắc gồm Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Trị và Quảng Nam. 

Biến thể Delta không gây bệnh nặng ở trẻ em

PV |

Số ca trẻ em nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ đã tăng kể từ khi biến thể Delta trở nên phổ biến, nhưng một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) đã cho thấy những lo ngại biến thể này gây bệnh nặng ở trẻ em là vô căn cứ. Tài liệu trên cũng cho thấy vaccine giúp giảm số trẻ em phải nhập viện khi mắc COVID-19.

Tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 chiếm từ 5 - 10% tổng số người mắc

Thanh Mai |

Các chuyên gia khuyến cáo, cần phải tăng cường, tạo lá chắn để bảo vệ trẻ em trong đại dịch.