Chương trình Tài chính vi mô thuộc Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam đang hoạt động ở 10 huyện của 4 tỉnh miền Trung và miền Bắc gồm Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Trị và Quảng Nam.
Riêng tại huyện Vĩnh Linh, chương trình được triển khai từ tháng 6/2006. Vì mục tiêu xã hội, phi lợi nhuận theo hướng bền vững, với những sản phẩm tài chính và phi tài chính đa dạng, 15 năm qua, Chương trình Tài chính vi mô đã tạo nên nhiều tác động tích cực, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu nhập thấp thuộc 13 xã, thị trấn trên địa bàn.
Theo Trưởng Chi nhánh Chương trình Tài chính vi mô huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Huyên, tài chính vi mô là chương trình cung cấp tín dụng nhỏ bằng hình thức tín chấp, vay theo tổ nhóm, hoàn trả dần gốc lãi cho các nhóm mục tiêu (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thu nhập thấp, hộ có trẻ em- đặc biệt trẻ em dễ bị tổn thương) để sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, giáo dục tài chính, trang bị kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất, kinh doanh cho các khách hàng vay. Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có 57 cụm tài chính vi mô, trên 400 tổ, nhóm đang hoạt động đều khắp 13 xã, thị trấn. Từ vốn vay tài chính vi mô đã tạo việc làm mới, duy trì bền vững công việc, tăng quy mô sản xuất, thu nhập, tài sản cho các hộ vay vốn.
Chị Nguyễn Thị Dương, ở Khu phố 9, thị trấn Hồ Xá, thuộc thành viên vay vốn Chương trình Tài chính vi mô, Cụm 145, thị trấn Hồ Xá. Trước đây, gia đình chị Dương thuộc diện cận nghèo, người chồng bị bệnh nặng rồi mất, một mình chị Dương gánh vác mọi việc lại nuôi thêm cháu nhỏ của người con đi làm việc xa quê. Thiếu vốn làm ăn nên cuộc sống của gia đình chị càng khó khăn. Năm 2014, được cụm trưởng Cụm 145 giới thiệu về nguồn vốn phù hợp từ Chương trình Tài chính vi mô, chị Dương quyết định tham gia vay vốn vòng 1 số tiền 15 triệu đồng mua heo giống bắt tay vào chăn nuôi.
Chị Dương chia sẻ: “Chỉ sau 1 năm, không những trả được vốn vay đúng hạn mà tôi còn tích lũy được một khoản tiết kiệm. Lấy ngắn nuôi dài, tôi tiếp tục vay vốn thêm của chương trình vừa tăng số lượng heo nuôi, vừa đào thêm ao nuôi cá, cải tạo diện tích trồng cây cao su, hồ tiêu. Qua hơn 7 năm, tôi đã vay vòng 8 với số tiền 120 triệu đồng xây dựng nên trang trại tổng hợp. Đến nay, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế được cải thiện rõ rệt, việc chăm lo học hành cho cháu cũng được đủ đầy hơn”.
Chị Bùi Thị Xuân, ở Khu phố 8, thị trấn Hồ Xá, cũng là một khách hàng tiêu biểu của Chương trình Tài chính vi mô Chi nhánh Vĩnh Linh với 7 vòng vay đầu tư vào trang trại chăn nuôi heo thịt, heo giống hiệu quả. Chị Xuân kể lại: “Những tháng đầu vay vốn tôi vẫn khá lo lắng vì nghĩ đến các khoản chi phí trong nhà cộng thêm tiền trả vốn vay mỗi tháng. Nhưng chính cách hoàn trả hằng tháng của chương trình giúp hộ vay có ý thức tiết kiệm hơn. Việc giải ngân vốn cũng rất nhanh, trả hết vòng này lại có thể vay tiếp vòng khác ngay. Cán bộ chương trình luôn sâu sát cơ sở, linh động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm vay vốn làm ăn”.
Vừa tiếp cận nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật lẫn kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh, quản lý công việc để áp dụng vào thực tiễn, hiện mô hình chăn nuôi heo của hộ chị Xuân cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm. Chị Phan Thị Gái, Cụm trưởng Cụm 145, thị trấn Hồ Xá thông tin: “Cụm 145 thành lập đến năm 2021 này vừa tròn 10 năm. Được Chương trình Tài chính vi mô cung cấp nguồn vốn rất kịp thời, 70 hộ trong cụm luôn chủ động sử dụng vốn có trách nhiệm, đúng mục đích. Nhờ đó từ chỗ chỉ chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ lẻ, thời vụ bấp bênh, nay các hộ đều từng bước tạo dựng nên nhiều mô hình trang trại, gia trại, kinh doanh, làm ăn có lãi, kinh tế ngày càng đi lên, đời sống thay đổi nhiều”.
Theo thống kê giai đoạn 2006- 2021, Chương trình Tài chính vi mô Chi nhánh Vĩnh Linh đã giải ngân gần 80 tỉ đồng cho trên 14.000 lượt người vay, tỉ lệ hoàn trả 99%. Kết quả tác động xã hội của chương trình lớn nhất đối với 2 lĩnh vực nông nghiệp chiếm 60%; thương nghiệp/buôn bán chiếm 31%. Để thu hút sự hưởng ứng và gắn bó của người dân đối với Chương trình Tài chính vi mô, tạo ra các tác động rõ nét như trên, chương trình luôn nhận được sự đồng hành và ủng hộ từ những đối tác tại mỗi đơn vị, trực tiếp giúp chương trình nắm bắt rõ hơn tình hình, đặc thù địa phương để đưa ra các can thiệp phù hợp đối với từng địa bàn hoạt động.
Ông Nguyễn Tấn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thạch cho biết: “Chương trình Tài chính vi mô triển khai tại xã Kim Thạch từ năm 2006. Quá trình làm việc, xã đã trợ giúp, tạo điều kiện để chương trình hoạt động và mở rộng địa bàn. Chú trọng thu thập, cập nhật thông tin hộ nghèo, cận nghèo hằng năm, qua đó đáp ứng nhu cầu của người dân muốn vay vốn. Xác nhận điều kiện các hộ dân vay vốn đảm bảo chính xác, đúng đối tượng. Hiện xã có 140 hộ thu nhập thấp đang vay vốn từ Chương trình Tài chính vi mô tập trung phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nghề biển”.
Đặc biệt, trong tổng số trên 14.000 lượt hộ vay vốn Chương trình Tài chính vi mô 15 năm qua, tỉ lệ phụ nữ vay vốn chiếm đến 90%; số hộ dân vay vốn có trẻ em 75%. Nguồn vốn tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ khó khăn có nguồn vốn ban đầu vươn lên làm kinh tế, tự chủ thu nhập. Mặt khác, tác động trực tiếp đến an sinh trẻ em trong các gia đình. Từ số liệu tổng hợp, có trên 2.070 trẻ em được tác động. Cụ thể, về an sinh trẻ, đủ lương thực, cải thiện giáo dục cơ bản, đủ nước uống, cải thiện vệ sinh, chi trả chi phí y tế đạt 100%; cải thiện nhà cửa, thêm quần áo, đồ dùng đạt 99%.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: “Từ những tác động của Chương trình Tài chính vi mô đến đối tượng phụ nữ và trẻ em yếu thế, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh chỉ đạo hội phụ nữ cấp cơ sở luôn phối hợp chặt chẽ với chương trình để phổ biến, thông tin đi đến thúc đẩy sự mạnh dạn của hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng khó cùng vay vốn, học hỏi tăng kiến thức vào cải thiện kinh tế hộ gia đình. Chương trình Tài chính vi mô những năm qua tại huyện Vĩnh Linh đã góp phần giảm hộ nghèo toàn huyện xuống còn dưới 2,97%. Thu nhập bình quân của hội viên phụ nữ đã đạt 52 triệu đồng/người/ năm”.
15 năm hoạt động tích cực, hiệu quả, Chương trình Tài chính vi mô đã giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những đối tượng khó khăn, hộ nghèo và trẻ em huyện Vĩnh Linh. Trong chặng đường tiếp theo, chương trình giữ vững cam kết hướng tới nhiều hơn các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng.
Trưởng Chi nhánh Chương trình Tài chính vi mô huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Huyên thông tin thêm: “Thời gian tới, chương trình có kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động tại 2 đơn vị mới gồm Vĩnh Chấp và Vĩnh Tú, nâng tổng số xã tiếp cận lên 15 xã. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giáo dục tài chính, tập huấn phi tài chính đến các hộ vay vốn cũng như những hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo nhưng chưa có điều kiện tham gia vay vốn của chương trình. Phấn đấu đạt chỉ số về hộ vay vốn, vốn giải ngân, dư nợ an toàn và đảm bảo chỉ số xã hội liên quan. Từ đó đẩy mạnh tăng trưởng đi đôi với chất lượng vốn vay, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, hỗ trợ đắc lực cho người dân về sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện Vĩnh Linh”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)