Mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường dự kiến mở thêm một số ngành học mới, phù hợp với nhu cầu của trường và đáp ứng nhân lực cho xã hội.
Nhiều ngành đào tạo mới ra đời
chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2021, hiện nhiều trường đại học đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh dự kiến. Điểm đáng chú ý trong phương án tuyển sinh của các trường là sự xuất hiện nhiều ngành học mới, tập trung nhiều ở lĩnh vực công nghệ, kinh tế, phù hợp với nhu cầu của trường và tăng cơ hội chọn ngành nghề cho thí sinh.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, năm học tới, trường dự kiến mở thêm 6 ngành học mới, nâng tổng số ngành/nhóm ngành lên 43. Cụ thể là các ngành: Robot và hệ thống điều khiển thông minh; Kinh tế tài nguyên thiên nhiên; Kỹ thuật hóa phân tích; Quản trị nguồn nhân lực; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đô thị thông minh và bền vững.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng dự kiến bổ sung nhiều ngành mới tập trung vào nhóm công nghệ thông tin, quản trị nhân lực.
Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, nhà trường đang làm các thủ tục xin phép mở thêm 4 ngành mới là: Hóa dược và hợp chất thiên nhiên; Kinh doanh thời trang và dệt may; Food business management (quản trị kinh doanh thực phẩm) và Marketing.
Bên cạnh việc mở thêm nhiều ngành mới, một số trường cao đẳng, đại học cũng mở bổ sung một số ngành, chuyên ngành hẹp có nhu cầu lao động cao, có lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển trong những năm gần đây.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM dự kiến mở một số ngành được đánh giá sẽ hút người học trong tương lai như: Bất động sản; Tài chính quốc tế; Báo chí; Tâm lý học và Thiết kế đồ họa.
“Đây là 5 ngành trường mở và tuyển sinh năm 2021 nhằm mang đến cơ hội lựa chọn đa dạng ngành học cho thí sinh cả nước, đồng thời đáp ứng nhân lực cho xã hội” - đại diện nhà trường chia sẻ.
Giữ ổn định phương thức tuyển sinh
Ngoài việc mở thêm ngành học mới, các trường đại học cũng đã dự kiến về phương thức tuyển sinh năm 2021. Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Quốc hội thông qua đã tạo cơ chế mở rộng quyền tự chủ cho các trường, như được tự chủ trong việc mở ngành, sử dụng phương thức xét tuyển phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Chia sẻ về phương án tuyển sinh năm 2021, GS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết, phương án tuyển sinh sẽ giữ ổn định như năm 2020, chủ yếu sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Đại diện Trường ĐH Ngoại thương cũng ủng hộ phương án giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2020. Theo đó, trong năm 2021, trường vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển với chỉ tiêu khoảng 50%. Ngoài ra, trường sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh bằng các phương thức khác như: Xét tuyển bằng điểm học bạ kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ.
Đại học Quốc gia Hà Nội đang lên phương án tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển bên cạnh việc sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Còn Đại học Quốc gia TPHCM vẫn sẽ duy trì kỳ thi đánh giá năng lực như các năm.
Theo quy định của Bộ GDĐT, các trường sẽ phải công khai đề án tuyển sinh vào thời điểm đầu năm để học sinh có thêm thông tin và xã hội thực hiện việc giám sát.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được giữ ổn định
Theo Bộ GDĐT, kỳ thi sẽ diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 1 bài thi tự chọn từ 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội đối với học sinh THPT.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ bao gồm: 70% điểm trung bình của 4 bài thi cộng với 30% điểm trung bình các môn học trong học bạ lớp 12.
(Nguồn: Báo Lao Động)