Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định
Sáng 9/5, tại phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo ông Dũng, dù bối cảnh thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi song tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng/2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, bảo đảm các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, 4 tháng tăng 4,84%.Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng…
Làm rõ nguyên nhân khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng của EVN
Liên quan đến một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp (đến ngày 24/4 chỉ tăng 2,66%) cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm 0,41 điểm % so với cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, bình quân là 9,56%/năm.
Ngoài ra, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm…Bên cạnh đó, điều hành giá chịu áp lực lớn hơn trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng sắp tới, cùng với việc dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tạo áp lực lên đến lạm phát.
Liên quan đến vấn đề giá điện, trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết một số ý kiến cho rằng việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.
Báo cáo cũng cho biết cơ chế giá điện hiện nay là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
"Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng chưa được xem xét, thay đổi", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trong báo cáo.
Cũng theo báo cáo, chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái.
"Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu.Cách đây ít ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Bộ Công Thương cho biết chi phí đầu vào tăng cao cũng như những biến động về tỷ giá là những lý do chính cho quyết định tăng giá điện của EVN. Bộ này nhấn mạnh "việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết". Cũng theo Bộ Công Thương mức tăng 3% giá điện bán lẻ bình quân là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình xem xét trước đó.
Trước đó vào cuối tháng 3, theo báo của Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
(Nguồn: Ngày nay)