Cáp quang biển được gia cố bằng nhiều lớp vật liệu, nhưng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tàu, thuyền.
Mạng chậm trở thành vấn đề ám ảnh người dùng Việt Nam trong thời gian vừa qua. Nguyên nhân là 4 trong số 5 tuyến cáp quang mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) Việt Nam đang khai thác đã lần lượt gặp sự cố từ cuối năm 2022.
Đại diện Viettel Networks cho biết cáp quang biển, hạ tầng cung cấp 99% lưu lượng Internet toàn cầu, có nhiều phân đoạn với cấu tạo khác nhau. Càng ở các khu vực gần bờ, cáp càng được gia cường nhiều hơn, tuy nhiên vẫn gặp sự cố do các hoạt động hàng hải của con người. Nếu bị mỏ neo của một con tàu chở khoảng vài chục nghìn tấn móc phải và rê đi thì sợi cáp đó cũng không khác sợi chỉ.
Ước tính mỗi năm Việt Nam gặp khoảng 10 lần đứt cáp, mỗi lần kéo dài khoảng một tháng và thường chỉ có 3 tuyến cáp quang biển hoạt động đồng thời.
Sự cố xảy ra dày đặc vì vùng biển Đông Nam của Việt Nam có mức nước tương đối nông, cùng với đó là hoạt động hàng hải nhộn nhịp vào bậc nhất trên thế giới. Khung chế tài của Việt Nam trên biển còn yếu trong việc cấm các tàu neo đậu ở vùng nước có tuyến cáp đi qua, đại diện Viettel Networks giải thích.
Theo đánh giá của Viettel Networks, các ISP Việt Nam không có nhiều phương án dự phòng. Mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ kết nối Internet cho người dùng Việt Nam là thấp trong khu vực.
Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng Internet và đang khai thác 5 tuyến cáp gồm SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, ngoài ra có 2 tuyến SJC2 và ADC dự kiến đưa vào khai thác trong năm nay. Trong khi đó, để so sánh, Malaysia có 25.3 triệu người dùng Internet và có 22 tuyến cáp biển, Thái Lan có 36,5 triệu người dùng và có 10 tuyến cáp quang biển.
Khi xảy ra sự cố, đặc biệt là sự cố đồng thời trên nhiều tuyến cáp, nhà mạng rơi vào thế khó vì không đủ hạ tầng ứng cứu.
Viettel Networks cho biết đã đầu tư thêm 30% dung lượng đường truyền quốc tế, và sẵn sàng bổ sung tiếp 400 Gbps trong tháng 2 khi chờ sửa chữa các tuyến cáp biển bị đứt.
APG sẽ là tuyến cáp được khôi phục đầu tiên trong tháng 3. Tiếp sau đó là tuyến AAG vào đầu tháng 4. Các tuyến IA và AAE-1 vẫn chưa có thời điểm dự kiến khắc phục xong sự cố.
(Nguồn: Phụ nữ mới)