Việt Nam dự kiến dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu người vào 25 năm sau đó.
Sáng 20/6, tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), thông tin, tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng. Tình trạng này xuất hiện nhiều hơn ngay từ lần sinh đầu tiên hoặc ở những gia đình chưa có con trai, trong gia gia đình có những cặp vợ chồng có học vấn cao và điều kiện kinh tế khá giả.
Ông Hoàng chỉ ra hai nguyên nhân gây ra tình trạng này đó là do Việt Nam còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, hai là nhiều gia đình lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi.Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số này ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Với tỷ lệ này, Việt Nam dự kiến dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu người vào 25 năm sau đó.
Nam giới trẻ bị dư thừa có thể gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm bạn đời, phải trì hoãn lập gia đình hoặc sống độc thân, đồng thời sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai.
Để hạn chế hậu quả nói trên, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109. Tuy nhiên, Tổng cục Dân số đánh giá, mục tiêu này rất khó khăn. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi con số này từ 8 năm trước chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.
(Nguồn: Phụ nữ mới)