Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói rằng dây là dự án Luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau.
Sáng 10/4, tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương) trình bày Tờ trình xây dựng Luật Bản dạng giới. Ông Trí cho biết, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản; khẳng định sự tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của một công dân.
Luật sẽ đảm bảo người chuyển giới được sống bình đẳng; hoàn thiện pháp luật về quyền con người phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới.
Ông đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính cũng như điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính và can thiệp y học. Đồng thời bổ sung dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật năm 2024 và trình tại kỳ họp 7.Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết hồ sơ đề nghị xây dựng Luật chưa có ý kiến của Chính phủ; phạm vi điều chỉnh chưa cụ thể; còn một số nội dung cần hoàn thiện; nhiều nội dung chính sách có sự giao thoa với chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang chủ trì. Ông Tùng đề nghị đại biểu Trí đánh giá tác động kỹ để hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ, Quốc hội xem xét.
"Đây là dự án Luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật chưa làm rõ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn", ông Tùng nói.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc chuyển đổi giới tính không đơn thuần chỉ là quy định về can thiệp y khoa dẫn đến điều chỉnh thông tin về hộ tịch mà sẽ "thay đổi một loạt nhóm, vấn đề khác nhau trong hệ thống pháp luật".
Việc chuyển đổi giới tính có thể phải điều chỉnh khoảng 10 nội dung nằm ở các luật hiện hành như Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Việc làm, các chế độ, chính sách tiền lương và đảm bảo nguồn lực thực hiện sau này.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị làm rõ tên luật là Luật Chuyển đổi giới tính hay Luật Bản dạng giới do Bộ Y tế chủ trì. Hồ sơ dự án luật cần làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội dung và thời gian trình, theo nguyên tắc một cơ quan làm.
"Nếu Chính phủ nói việc này liên quan tới nhiều luật, từ nghĩa vụ quân sự đến tiền lương, tiền thưởng, lao động, việc làm, bình đẳng giới nên Chính phủ nhận trách nhiệm xây dựng thì đại biểu cần thông cảm", ông Định nói.
Ông giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ủy ban Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế làm việc với đại biểu Nguyễn Anh Trí và báo cáo xin ý kiến Chính phủ để thống nhất nội dung. Đại biểu Trí sẽ báo cáo lại Thường vụ xem xét trong phiên họp tháng 5, dự kiến khoảng ngày 10/5.
(Nguồn: Phụ nữ mới)