Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới Việt-Lào. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn là dân tộc thiểu số gồm 20.999 hộ với 93.673 khẩu với hai cộng đồng dân tộc chủ yếu là Vân Kiều và Pa Kô.
Những năm qua cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.
Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH của vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung đầu tư; kết cấu hạ tầng, an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo được chú trọng; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện.
Hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số không ngừng được xây dựng, củng cố; bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng-an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Nhờ đó, vùng núi tỉnh Quảng Trị đã hình thành những vùng chuyên canh cà phê Hướng Phùng, Hướng Tân; vùng chuối Tân Long, Thuận, Hướng Lộc; cao su A Dơi, Ba Tầng và bạt ngàn núi đồi là cây lâm nghiệp, sắn cao sản...là minh chứng đầy thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ nhau giữa cộng đồng các dân tộc tỉnh trong tỉnh trên tiến trình xây dựng và phát triển.
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc tại Quảng Trị được thực hiện hiệu quả, “bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Đồng bào các dân tộc thiểu số-những người con mang họ Hồ của Bác với truyền thống yêu nước, ý chí sức mạnh cộng đồng, bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp sẽ luôn luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển trong hiện tại và tương lai.
Để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, nhiệm vụ công tác dân tộc của tỉnh trong thời gian tới là tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo các nhiệm vụ trọng tâm và những lĩnh vực ưu tiên sau:
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới theo Kết luận số 65-KL/ TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị; nghị quyết đại hội đảng các cấp và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Thứ hai, cụ thể hóa và tập trung triển khai các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN; rà soát, đánh giá hiệu quả đồng thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các lĩnh vực ưu tiên:
Tập trung các giải pháp cụ thể đẩy mạnh thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững trong vùng, giảm tỉ lệ hộ nghèo hằng năm khoảng từ 2,5%-3%; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với vùng đồng bằng, phấn đấu mức thu nhập bình quân tăng lên 1,5-2 lần so với giai đoạn hiện nay; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch sinh hoạt cho đồng bào theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg và Nghị quyết số 10/2018 của HĐND tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa phát triển vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh; tạo sinh kế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng gắn với giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng tỉ lệ khám, chữa bệnh, nhất là tuyến cơ sở.
Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa cấp tỉnh, huyện nhân ngày truyền thống đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô mang họ Hồ của Bác, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV năm 2024.
Thứ ba, tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với phát triển KT-XH; đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy, buôn lậu; chống các âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy; phát triển nguồn nhân lực trong tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng một cách hợp lý đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
Thứ năm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang về vai trò, vị trí công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo sự bình đẳng, tôn trọng cùng giúp nhau phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)