Những năm gần đây, tình trạng quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn dẫn đến việc mang thai và sinh con ở trẻ vị thành niên (VTN) có chiều hướng gia tăng.
Thực trạng này không những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe, tâm lý và cuộc sống của các em, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Nhiều vụ việc đau lòng các bé gái chỉ 12- 13 tuổi mang thai và tự sinh con trên cả nước thời gian qua là hồi chuông báo động về việc cần tăng cường giáo dục giới tính, nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cho trẻ VTN.
Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, bác sĩ CKII Lê Hoài Nhân cho biết: “Khả năng sinh sản của giới nữ bắt đầu từ khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, có kinh nguyệt. Vì thế, trẻ đã dậy thì có thể mang thai ngoài ý muốn nếu thiếu hiểu biết và có QHTD không an toàn. Ba tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn rất quan trọng, tuy nhiên đối với những trẻ VTN khi mang thai thì thường “bỏ bê” giai đoạn này.
Nguyên nhân chính là các em có thể không biết mình mang thai, hoặc nếu biết thì mặc cảm, xấu hổ và giấu diếm. Dẫn đến không được thăm khám, chăm sóc và tư vấn cách bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Việc tiếp cận với y tế, gặp bác sĩ chuyên khoa là hầu như không hoặc chỉ lén lút, e dè ở các phòng khám tư. Mang thai ở tuổi còn quá nhỏ dễ xảy ra những biến chứng sản khoa như: tiền sản giật, sảy thai, sinh non...
Bởi vì cơ thể người mẹ lúc này chưa phát triển đầy đủ, khung xương chậu và bộ máy sinh sản chưa hoàn thiện.
Việc thiếu kiến thức và thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hướng tới cân nặng, sức khỏe, trí tuệ của đứa con. Đa phần những em bé sinh ra từ mẹ tuổi dưới 18 đều không khỏe mạnh, suy dinh dưỡng, phát triển thể chất cũng như trí tuệ chậm hơn so với trẻ sinh từ người mẹ tuổi trưởng thành.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi có trường hợp trẻ VTN mang thai tới sinh con, các bác sĩ vẫn tiến hành các biện pháp chuyên môn, cố gắng hết sức để được mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi sẽ báo cáo lên ban giám đốc bệnh viện, báo với công an và các cơ quan chức năng để tiện trong rà soát, kiểm tra, thống kê cũng như quản lý các vấn đề liên quan khác.
Chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm, giáo dục cho con cái vấn đề giới tính một cách tế nhị và nghiêm túc để tránh những trường hợp đáng tiếc nhất xảy ra cho con cái mình”.
Cô giáo Lê Thị Thuận, giáo viên môn Sinh học, Trường TH và THCS Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: Hiện nay, giáo dục giới tính chỉ mới được lồng ghép vào một số môn học như: Sinh học hay Giáo dục công dân chứ chưa phải là một môn học riêng biệt, bắt buộc.
Với môn Sinh học, học sinh sẽ được học chương Sinh sản (ở lớp 8), với các bài giới thiệu về cơ quan sinh dục nam, cơ quan sinh dục nữ, dấu hiệu tuổi dậy thì ở nam và nữ, các biện pháp tránh thai, các bệnh lây qua đường tình dục...
Do đó, ngoài số kiến thức ít ỏi trong sách vở thì đòi hỏi mỗi giáo viên cần linh hoạt lồng ghép việc giáo dục giới tính, tích hợp và dành thời gian trong các tiết học liên quan để giáo dục các em. Bản thân tôi thường dành thời gian gần gũi, trò chuyện và trao đổi với học sinh một cách tự nhiên, sử dụng các thuật ngữ đơn giản, xem giáo dục giới tính, tình dục như một chủ đề thông thường.
Giáo viên cần giúp học sinh hiểu giáo dục giới tính không chỉ nói về tình dục mà bao gồm nhiều vấn đề khác từ khía cạnh sinh lý, giải phẫu học, cơ quan sinh sản và chức năng của chúng, vai trò của hai giới, các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, cách phòng tránh thai...
Giúp các em hiểu rõ tình dục không phải là điều cấm kỵ mà là một phần tự nhiên của con người, bất kỳ ai cũng cần biết và phải học.
Hiện nay, công nghệ phát triển khiến trẻ có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau. Vì vậy, giáo viên cần là người cung cấp, định hướng những thông tin chính xác, đúng đắn để trẻ có thể phân biệt được đâu mới là kiến thức bổ ích.
Thời gian qua, ngành GD&ĐT Quảng Trị cũng đã phối hợp với những ban ngành liên quan tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa, truyền thông giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản VTN cho học sinh, mời bác sĩ phụ trách đúng chuyên môn giáo dục giới tính về trực tiếp giảng dạy, nói chuyện; cử giáo viên đi tập huấn về giáo dục giới tính cho trẻ ở tuổi VTN.
Để hiệu quả nhận thức được tốt nhất, cần sự phối hợp của các bậc phụ huynh trong việc cung cấp cho trẻ những kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý lứa tuổi, kiến thức về những chuẩn mực trong quan hệ với người khác giới.
Bố mẹ là người gần gũi con nhất, cần tâm sự, nhắc nhở các em biết giữ vệ sinh cơ thể, hiểu thế nào là giới hạn của tình bạn, tình yêu... để con cái có thể tránh được những điều xấu xảy ra trong cuộc sống.
Giáo dục tốt sức khỏe giới tính là tiền đề để hướng tới một xã hội tốt đẹp với những mầm xanh tương lai khỏe mạnh về thể chất, hoàn thiện về tinh thần, đủ sức khỏe học tập và xây dựng đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)