Việt Nam lần đầu có di sản thiên nhiên thế giới liên quốc gia

Châu Sa |

UNESCO vừa thông qua quyết định mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào), đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một di sản liên quốc gia.

 
  Du khách khám phá bên trong 4.500 m lòng động Phong Nha, đầu tháng 7. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra ở Paris (Pháp) ngày 13/7, UNESCO thông qua quyết định mở rộng ranh giới Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào).

Di sản chung này được ghi danh với tên gọi "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô", đáp ứng các tiêu chí về địa chất - địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Đây là di sản thiên nhiên liên biên giới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, minh chứng cho nỗ lực hợp tác khu vực trong bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

 
Cảnh quan Karst, phía Đông Nam làng Vangmaneur thuộc Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, CHDCND Lào. Ảnh: GIZ ProFEB/Paul Williams. 
 

PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, cho biết hồ sơ đề cử được hoàn thiện trong hơn một năm, sau khi 2 nước chính thức thống nhất chủ trương vào đầu năm 2023 và nộp lên UNESCO tháng 2/2024.

"Hai vườn quốc gia không chỉ là biểu tượng về giá trị thiên nhiên toàn cầu, mà còn là biểu tượng hữu nghị và gắn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào trên con đường bảo vệ môi trường và phát triển bền vững", bà Hiền nói.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết sự kiện này khẳng định nỗ lực gìn giữ môi trường của 2 nước, đồng thời thể hiện tầm nhìn toàn cầu của UNESCO trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác khu vực thông qua di sản.

"Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong công tác bảo tồn và quản lý bền vững khu di sản liên biên giới này", ông Cương nói tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket gọi đây là "khoảnh khắc tự hào của Chính phủ và nhân dân Lào", cam kết tiếp tục hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong quản lý di sản và phát triển du lịch bền vững.

 
Thành viên đoàn Việt Nam và Lào tham dự Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris (Pháp), ngày 13/7. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa. 
 

Khu vực liên biên giới Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô được đánh giá là một trong những hệ thống karst nhiệt đới nguyên vẹn lớn nhất thế giới. Địa hình đá vôi hình thành cách đây hơn 400 triệu năm với các hang động khổng lồ, trong đó có hang Sơn Đoòng - hang lớn nhất thế giới và hang Xe Bang Fai nổi tiếng của Lào.

Theo đánh giá của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) - cơ quan tư vấn của UNESCO, di sản này không chỉ mang giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất và sinh học mà còn là mô hình tiêu biểu cho hợp tác xuyên biên giới trong bảo tồn.

Hai vườn quốc gia hiện được quản lý bởi các kế hoạch riêng biệt, song có phối hợp thông qua cơ chế chung được ký kết giữa các địa phương 2 bên biên giới. Hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, kiểm soát du lịch, chia sẻ dữ liệu khoa học, nâng cao năng lực quản lý di sản đều nằm trong khuôn khổ hợp tác lâu dài.

Với sự ghi danh này, Việt Nam hiện có 9 Di sản Thế giới, gồm 2 di sản thiên nhiên, 2 di sản hỗn hợp và lần đầu tiên có một di sản liên quốc gia. Trước đó, nước ta có 2 di sản liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - Cát Bà và Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Trong thời gian tới, Việt Nam và Lào sẽ triển khai các nghiên cứu khoa học liên quốc gia, đánh giá sức tải du lịch, xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ pháp lý cho phía Lào trong quản lý di sản.

Nguồn tin: znews.vn

TAGS

Công bố Đồ án quy hoạch chi tiết Khu dịch vụ - Du lịch nghỉ dưỡng hồ Tân Độ

Kăn Sương |

Hôm nay 11/7, Giám đốc Ban Quản lý dự án Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp xã Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị Xôm Vân thông tin, đơn vị tổ chức hội nghị công bố Đồ án lập quy hoạch chi tiết Khu Dịch vụ - Du lịch nghỉ dưỡng hồ Tân Độ (tỉ lệ 1/500).

Gỡ vướng cho xe điện hoạt động du lịch

Thùy Lâm |

Xe điện 4 bánh đi vào hoạt động thí điểm hơn 10 năm trước và chuyên vận chuyển du khách tại nội thành, các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn Đồng Hới. Loại phương tiện này đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch và góp phần quan trọng trong việc giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ 1/7/2025, xe điện 4 bánh tạm dừng hoạt động do thiếu những quy định pháp lý phù hợp.

Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới ca ngợi vẻ đẹp kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng

Diệu Hương |

Tạp chí Travel+Leisure-một trong những ấn phẩm uy tín bậc nhất thế giới trong lĩnh vực du lịch và trải nghiệm vừa đăng tải bài viết về hang Sơn Đoòng, ca ngợi nơi đây là “hang động lớn nhất thế giới” với vẻ đẹp choáng ngợp và trải nghiệm khám phá độc đáo không nơi nào sánh được.

Vườn nho chín hút khách du lịch

Xuân Vương |

Dù mới trồng được hơn một năm nhưng vườn nho của anh Cao Xuân Thái, xã Kim Phú (sáp nhập từ xã Thượng Hóa, Trung Hóa, Minh Hóa và Tân Hóa) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không những thế, vườn nho này còn thu hút đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những quả nho chín mọng, ngọt ngào...

Gắn kết cộng đồng: Hướng đi du lịch bền vững

Thanh Hoa |

Du lịch Quảng Trị không chỉ nổi tiếng với những hang động kỳ vĩ mà còn có những giá trị văn hóa cộng đồng độc đáo. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, biến du lịch thành đòn bẩy phát triển bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương thì việc gắn kết cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia làm du lịch là việc làm cần thiết nhằm phát triển du lịch bền vững.