Liên quan đến xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", HĐXX tạm dừng phiên tòa để tạo điều kiện cho luật sư và các bị cáo thực hiện việc "cập nhật" tiền khắc phục hậu quả.
Sáng 17/7, theo đề nghị của Viện kiểm sát, HĐXX phiên tòa "chuyến bay giải cứu" quyết định cho tòa tạm dừng để Viện kiểm sát dựa vào giấy tờ, chứng từ khắc phục hậu quả của bị cáo nhằm đề xuất mức án phù hợp. HĐXX chưa thông báo thời gian tiếp tục phiên tòa.
Trong thời gian tạm nghỉ, các bị cáo sẽ nộp các chứng từ, giấy tờ liên quan đến việc nộp thêm tiền khắc phục hậu quả (nhiều bị cáo đã nộp từ trước khi phiên tòa diễn ra, nhiều bị cáo nộp thêm tiền trong quá trình diễn ra phiên tòa), theo VOV.
Trước phiên xét xử hôm nay, tổng cộng 54 bị cáo đã nộp khoảng 60 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, trong số hơn 164 tỷ đồng được cáo trạng xác định. Trong đó, riêng cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng đã nộp khoảng 16 tỷ đồng; cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nộp xong số tiền khắc phục hậu quả khoảng 2 tỷ đồng...
Trong 4 ngày xét hỏi, nhiều bị cáo đã thành khẩn nhận tội và xin tòa xem xét khi lượng hình. Hiện tại, chỉ còn bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên đang kêu oan, phủ nhận toàn bộ mọi tội danh cáo buộc. Còn bị cáo Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Thái Hòa cho rằng chỉ "có động tác làm như mình đã đi hối lộ" nên mong tòa xem xét.
Tại tòa, ông Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhiều lần khẳng định không ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền để được cấp phép "chuyến bay giải cứu". Song cựu thứ trưởng thừa nhận đã được các doanh nghiệp "lót tay" số tiền hơn 21,5 tỷ đồng là quà cảm ơn sau khi được cấp phép các chuyến bay giải cứu.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế là một trong những người được xét hỏi nhiều nhất trong 4 ngày qua. Ông Kiên bị cáo buộc nhận tiền 253 lần tương đương 42,6 tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Hội đồng xét xử nhiều lần thẩm vấn làm rõ Kiên có đưa số tiền nhận hối lộ cho ai khác và sử dụng số tiền này như thế nào.
Tại tòa, Kiên một mực phủ nhận cáo buộc ra giá 150-200 triệu đồng để được cấp phép một chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo. Trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo này tiết lộ từng phải đi điều trị tâm thần ở Bệnh viện Bạch Mai vì ám ảnh mức án tử hình.
Trước đó theo dự kiến, sau 4 ngày xét xử, sáng nay 17/7, phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" bước sang ngày xét xử thứ năm, hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang tranh tụng, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án với các bị cáo.
Vụ án này có 54 bị cáo, trong đó 23 cựu quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, trong đó 18 người bị truy tố khung hình phạt tử hình. 21 người bị cáo buộc đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu, những người còn lại bị cáo buộc môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong 4 ngày thẩm vấn vừa qua, các bị cáo là cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, lãnh đạo doanh nghiệp… đều thừa nhận việc đưa, nhận hối lộ lên đến hàng tỷ đồng trong những chuyến bay giải cứu thời điểm dịch COVID-19, theo Dân trí.
Theo cáo trạng và diễn biến phiên tòa, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương đưa công dân về nước cách ly, các bị cáo đã có hành vi đưa, nhận hối lộ với số tiền lớn (hơn 164 tỷ đồng) để xin cấp phép các "chuyến bay giải cứu". Điều này khiến chi phí cho mỗi công dân về nước bị đội lên.
(Nguồn: Tổng hợp/Phụ nữ mới)