Theo thống kê của Ban ATTP TP.HCM đến nay mới chỉ thu hồi được 195/1416 sản phẩm Pate Minh Chay mà Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới đã bán cho khách hàng. Do đó, nguy cơ ngộ độc trong cộng đồng vẫn còn?
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ngày 3/9, Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, qua thống kê, hiện Ban An Toàn Thự phẩm TP đã có danh sách của 1416 khách hàng mua Pate Minh chay về sử dụng trong tháng 7 và tháng 8.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, do đây là những khách hàng mua sản phẩm qua kênh Online. Theo đó, Ban An Toàn Thực phẩm TP.HCM dù đã chủ động liên hệ với các khách hàng để cảnh báo cũng như nắm bắt thông tin từ họ. Tuy nhiên, đến giờ này (trưa 4/9) Ban An Toàn Thực Phẩm TP.HCM cũng mới lập biên bản thu hồi sản phẩm từ người tiêu dùng là 195 hộp/tổng số 1416 khách hàng. Nguyên nhân là do một số khách hàng đã sử dụng… nhưng không bị gì, có những người mua về biếu tặng, có những khách hàng chưa kịp sử dụng nhưng giấu lại để trả lại cho công ty sản xuất để đòi lại tiền ( Mỗi hộp Pate Minh chay có giá hàng trăm ngàn đồng).
Trước vấn đề này, Ban An Toàn Thự Phẩm TP.HCM đã hướng dẫn các khách hàng còn lại không nên tuỳ tiện sử dụng sản phẩm đã mua. Nếu chưa sử dụng thì nên cất riêng, để tránh nhiễm khuẩn sang thực phẩm khác. Những ai đã sử dụng thì nên đi khám để có phương án xử trí phù hợp.
Điều trị kéo dài…
Tính đến trưa 4/9, TP.HCM ghi nhận 9 trường hợp bị ngộ độc. Trong đó, có 5 trường hợp đầu tiên, đều nhập viện Chợ Rẫy đã ổn định sức khoẻ và được xuất viện. 4 ca ngộ độc Botulinum còn lại hiện đang nằm cấp cứu, điều trị tại 3 bệnh viện gồm: 1 ca đang nằm tại Khoa Bệnh Nhiệt Đới bệnh viện Chợ Rẫy, 1 ca nằm ở bệnh viện Nhân dân 115 và 2 ca còn lại nằm điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM. 4 ca trên tình hình sức khoẻ cải thiện rất chậm. Cụ thể:
Ca thứ 6, nhập viện sau khi 5 ca đầu tiên (27/8), tuy nhiên đến nay 4/9, dù đã hơn 1 tuần lễ nhưng tình hình sức khoẻ vẫn tiến triển chậm. Có mặt tại phòng Hồi sức, Khoa Bệnh nhiệt Đới bệnh viện Chợ Rẫy, trước mắt chúng tôi, bệnh nhân thứ 6 đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, trên người được gắn hang loạt dây dợ. “Hiện bệnh nhân thứ 6 tuy đã tỉnh nhưng vẫn đang phải thở máy, sức cơ yếu. Các bác sĩ đang tiếp tục thay huyết tương, tăng cường chế độ dinh dưỡng.. Bên cạnh đó tiến hành vật lý trị liệu và phòng ngừa nhiễm trùng…”.
Ca ngộ độc Botulinum thứ 6 hiện vẫn đang phải thay huyết tương, thở máy...
Tại bệnh viện Nhân Dân 115, ThS-BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết: Bệnh nhân là chị L.T.T.H. (41 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương). Trước đó, ngày 27/7, chị H. mua pate Minh Chay qua mạng. Sau ít ngày sử dụng, chị bắt đầu hoa mắt, chóng mặt, tê lưỡi, nói đớ, yếu cơ tứ chi kèm khó thở. Gia đình chuyển chị vào Bệnh viện Columbia (quận Bình Thạnh) điều trị nhưng không thuyên giảm, sau đó được chuyển qua Bệnh viện Nhân Dân 115 vào ngày 12/8”.
Tại thời điểm nhập viện cấp cứu bệnh nhân tỉnh nhưng yếu cơ tứ chi, yếu cơ vùng mặt. Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân suy hô hấp, được đặt nội khí quản. Đến nay, bệnh nhân được thay huyết tương nhiều lần, sử dụng dịch truyền, kháng sinh, điều trị hỗ trợ tại khoa hồi sức tích cực chống độc. Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực, dù tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng cơ hô hấp của bệnh nhân còn yếu nên vẫn phải thở máy, sức cơ tứ chi hiện cũng cải thiện chậm.
Khuyến cáo người dân
Giữ gìn vệ sinh thực phẩm, ăn những loại thức ăn đã được nấu chín. Tránh ăn những thức ăn đóng hộp làm bằng tay không có công nghệ tiệt trùng.
Rửa sạch các vết thương ngoài da sau khi bị thương, bôi các loại dung dịch sát khuẩn lên vết thương và yêu cầu chăm sóc y tế trong quá trình điều trị sau đó.
Liên quan đến sự việc hàng loạt trường hợp bị phát hiện ngộ độc nặng sau khi ăn sản phẩm Pate Minh Chay ngày 4/9, đại diện Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, ngày 17/7, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực – Chống độc đã tiếp nhận và điều trị 2 bệnh nhân nhập ngộ độc liên quan đến sản phẩm Pate Minh Chay là L.A. (SN 1966) và L.T. (SN 1963, cùng ngụ Long An)
Các bệnh nhân vào viện trong tình trạng sụp mí, suy hô hấp. Ban đầu các bác sĩ hoàn toàn không biết bệnh nhân ngộ độc, chỉ thấy bệnh nhân có triệu chứng yếu cơ hoàn toàn.
Sau đó có thông tin người anh của bệnh nhân sụp mí sau khi ăn loại Pate chay (của công ty Minh Chay) sau 3 ngày ăn thì có triệu chứng khó nói, cứng hàm, sụp mi mắt, khó nuốt. Hiện tại 2 bệnh nhân đều tỉnh. Tuy nhiên, một bệnh nhân (Người em tên L.T.) được coil à tiến triển hơn cả thì chỉ mới cử động được…. mi mắt và đang được tập cai máy thở. Bệnh nhân còn lại vẫn đang thở máy, sụp mi, liệt cơ toàn thân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, 9 ca bệnh ngộ độc thực phẩm trên đều là… người ở các tỉnh. Quá trình xuất hiện triệu chứng bệnh sau khi ăn Pate Minh Chay sớm nhất là 21 tiếng (gần 1 ngày) và chậm nhất là 2 -3 ngày. Các triệu chứng, biểu hiện thường gặp là Buồn nôn, nôn ói, đau bụng, nhìn mờ, sụp mí, nói khó, nhai nuốt khó, yếu chi, cử động chậm, khó thở…
Cùng ngày, phóng viên Ngày Nay đã gọi điện, nhắn tin cho ông Nguyễn Thanh Phong, Cục Trưởng Cục An toàn Thực Phẩm để nắm thông tin vụ việc tuy nhiên ông Phong không bắt máy và không thấy trả lời tin nhắn.
Ngộ độc Botulinum là gì?
Botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, nó được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).
Vi khuẩn C. botulinum là một loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí). Có khả năng tự tạo ra bào tử (hiểu nom na là vi khuẩn tự đóng kén để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, thì các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.
Trung bình từ 12 – 36 giờ (có thể vài ngày) sau khi khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum dẫn tới các triệu chứng sau: Đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Mặc dù được điều trị tích cực thì tình trạng liệt vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục cho thấy ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm.
Ngoài xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, bào từ vi khuẩn C. botulinum còn có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng tạo ra môi trường yếm khí thì các bào tử có thể tái hoạt sản sinh ra chất độc botulinum dẫn tới ngộ độc.
Khác với người lớn, trong đường ruột của trẻ em nhũ nhi bào tử vi khuẩn này cũng có thể phát triển (do ăn phải thức ăn bị nhiễm bào tử không đóng hộp) dẫn tới ngộ độc.
(Nguồn: Ngày nay)