Vào khoảng 17 giờ 35 phút ngày 26/5, tàu cá mang số hiệu QT-91588 TS, công suất 420 CV của ông Hoàng Ngọc An, trú tại thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh đang neo đậu tại tọa độ 17009’45” N - 107019’45”E cách đảo Cồn Cỏ khoảng 600 mét về hướng Tây-Tây Bắc thì bị tàu cá mang số hiệu QNA-90299 TS của ông Trần Công Tăng, trú xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam đâm trực diện, khiến tàu ông An bị gãy mạn tàu bên trái và chìm. Sau khi đâm chìm tàu QT-91588 TS, tàu QNA-90299 TS bỏ đi.
Cứu 6 thuyền viên rơi xuống biển
Tại thời điểm bị đâm, trên tàu ông An có 6 người, bao gồm ông An và 5 thuyền viên. Rất may tàu cá QT-94466 TS của ông Lê Văn Cường, trú thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt neo đậu gần đó đã nhanh chóng phát hiện vụ việc và cứu được 6 người bị nạn lên tàu an toàn.
Anh Cường kể, khoảng 17 giờ 35 phút ngày 26/5, tàu của anh đang neo đậu gần bờ đảo Cồn Cỏ về hướng Tây Bắc để chuẩn bị ăn cơm tối thì thấy có 2 tàu truy đuổi nhau từ hướng Đông Bắc tiến dần về phía đảo. Khi tàu QT-91588 TS của ông Hoàng Ngọc An tiến đến gần tàu của anh Cường thì chiếc tàu mang số hiệu QNA - 90299 TS cũng đến gần và đâm vào tàu của ông An. Lúc này, 6 thuyền viên trên tàu của ông An văng xuống biển, còn tàu bị chìm dần.“Thấy vậy, tôi và các bạn thuyền của mình lập tức lao xuống biển để cứu người. Sau một hồi vật lộn với sóng gió, chúng tôi cứu được cả 6 người lên tàu. Có người bị đuối sức, bất tỉnh. Lúc ấy, tàu cảnh sát biển đậu gần đó nên tôi đưa 6 thuyền viên qua tàu cảnh sát biển để kiểm tra, theo dõi sức khỏe. Sau khi sức khỏe của họ ổn định hơn, tôi tiếp tục chở họ về Đồn Biên phòng Cồn Cỏ”, anh Cường cho hay.
Ghi nhận và biểu dương tinh thần dũng cảm ấy, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh và Chủ tịch UBND xã Gio Việt đã tặng giấy khen kèm theo tiền thưởng cho anh Cường cùng 3 thuyền viên, gồm: ông Nguyễn Văn Phương, ông Võ Văn Linh và ông Trần Bằng.
Lời kể của chủ tàu gây tai nạn
Sau khi đâm chìm tàu thu mua thủy sản của ông An, ông Trần Công Tăng, chủ tàu cá QNA - 90299 TS cùng thuyền viên vào bờ và đến trình diện tại Đồn Biên phòng Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Ông Tăng và thuyền viên Trần Văn Đa (sinh năm 1990) đến điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Theo lời kể của ông Tăng, vào chiều 23/5, khi tàu của ông đang hoạt động tại vùng biển Nhật Lệ, Quảng Bình thì bị tàu ông An đâm vào. Những người bên tàu ông An ném đồ đạc vào các thuyền viên của ông. Ông Tăng phải lái tàu đến nơi khác để tránh. Ngày 26/5, khi ông lái tàu đến vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thì gặp tàu ông An. Lúc này, ông Tăng điều khiến tàu đến cạnh tàu ông An và hỏi lý do vì sao ông An đâm vào tàu của mình.
“Khi tôi vừa hỏi xong thì ông An và nhiều người trên tàu kia cầm dao, chén bát nhảy qua đâm, ném tôi và các bạn thuyền. Lúc tôi chạy vào buồng lái thì bị đâm một nhát vào sau lưng. Một bạn thuyền bị thương, chảy máu ở cổ tay. Những người còn lại cũng chạy tán loạn. Chúng tôi chỉ biết chặt đứt dây neo rồi nổ máy lái tàu đi. Tàu ông An tiếp tục truy đuổi tàu của tôi. Sau một hồi hai tàu quần thảo, tàu của tôi chạy phía sau. Khi đến gần chỗ neo đậu tàu thuyền gần bờ đảo Cồn Cỏ thì tàu của ông An xoay ngang lại. Lúc này có nhiều tàu thuyền khác neo đậu xung quanh. Trong khi tàu của tôi đang đà lướt tới, mặc dù đã tắt máy, trả số nhưng đà đang mạnh nên tàu của tôi trườn tới đâm vào tàu của ông An”, ông Tăng kể.
Chủ tàu bị đâm chìm nói gì
Chiều 28/5, ông Hoàng Ngọc An cùng 5 thuyền viên được đưa vào bờ an toàn. Những thuyền viên này đều là bà con họ hàng với nhau.
Ông An kể: “Vào khoảng 18 giờ ngày 23/5, tại vùng biển Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình, tàu QNA - 90299 TS của ông Tăng đang làm cá. Lúc này, tàu của tôi đến mua cá và cặp sát tàu của ông Tăng. Song, ông Tăng không bán cá cho tôi mà gọi điện thoại người khác đến để bán cá. Tôi hỏi tại sao không bán cá cho tôi mà lại bán cá cho người khác? Sau đó, hai bên có lời qua tiếng lại và chửi nhau. Cãi nhau một hồi, tàu của tôi đi thu mua cá của tàu khác. Sự việc dừng lại ở đó chứ không hề có xô xát gì”.
Ông An kể tiếp, 12 giờ ngày 26/5, tàu của ông từ đất liền ra đến vùng biển cách đảo Cồn Cỏ khoảng 1 - 1,5 hải lý. Khoảng 17 giờ cùng ngày, tàu ông thả trôi để chuẩn bị ăn cơm chiều. Xung quanh không có tàu nào khác. Lúc ấy, tàu QNA - 90299 TS của ông Tăng bất ngờ tiến đến với vận tốc khoảng 10 - 11 hải lý/giờ. Khi 2 tàu cặp sát nhau, ông Tăng bảo người cột dây 2 tàu lại với nhau. Tuy nhiên, ông An không đồng ý. Sau đó, ông Tăng cầm theo 2 cái tô cùng với một thuyền viên khác cầm theo búa và xà beng nhảy qua tàu của ông An.
“Ông Tăng ném tô vào giữa mâm chúng tôi đang ngồi ăn. Mảnh vỡ văng tung tóe và trúng vào mặt thuyền viên của tôi. Một thuyền viên khác cầm búa và xà beng đập vào ca bin tàu của tôi. Chúng tôi hoảng sợ nên đề máy tàu chạy đi. Lúc ấy, 2 người này mới nhảy về tàu của họ rồi đuổi theo tàu chúng tôi. Chạy được khoảng 2 hải lý, chúng tôi thấy có tàu của ngư dân Quảng Trị đang đậu đông nên chạy về phía đó để lỡ có chuyện gì còn được cứu giúp. Vừa vào đến nơi, tôi dừng máy thì tàu của ông Tăng đâm tới khiến 6 người chúng tôi văng ra khỏi tàu. Ông Tăng còn tiếp tục cho tàu lao tới để đè tàu của chúng tôi chìm rồi bỏ chạy”, ông An cho hay.
Sẽ đối chất để làm rõ
Khi phóng viên đề cập đến việc ông Trần Công Tăng kể lại rằng: Vào ngày 23/5, tàu ông Tăng bị tàu ông An đâm và ném độ đạc qua. Thì ông An khẳng định: “Không có việc đó. Mình tới thu mua cá thì phải cặp vào mạn tàu của họ mới mua được. Trên biển, gió đẩy tới nên tàu của mình cọ xát vào tàu họ thôi chứ không phải chúng tôi cố tình đâm va”.
Về thông tin ông Trần Công Tăng kể với phóng viên Báo Quảng Trị trước đó rằng: Chiều 26/5, khi ông Tăng điều khiển tàu đến hỏi lý do vì sao ông An đâm vào tàu của mình thì ông An và nhiều người khác cầm dao, chén bát nhảy qua đâm, ném ông Tăng và các thuyền viên. Ông Tăng bị đâm một nhát vào sau lưng. Một thuyền viên khác bị thương ở cổ tay. Ông An cho biết: “Thông tin này không đúng. Sau khi bị tàu họ đuổi, chúng tôi cố gắng thoát ra nhưng không thoát được. Tàu họ to, tàu tôi nhỏ thì làm sao đuổi tàu họ được”. Ông An thông tin thêm, trước đó ông và ông Tăng có biết nhau và ông An từng mua thủy sản của ông Tăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là vụ việc có tính chất phức tạp. Hiện, các cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý. Vì lời khai của hai bên khác nhau nên sau khi ông An cùng các thuyền viên vào đất liền sẽ cho hai bên đối chất trực tiếp. Từ đó sẽ có cơ sở để xử lý các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)