2 kỹ sư nông nghiệp xây dựng thành công vườn cây cao su đầu dòng duy nhất tại Quảng Trị

Nguyễn Trang |

Tháng 11/2022, vườn ươm giống cây cao su RRIV 209 quy mô gần 2 ha của Cơ sở giống cây trồng Đức Phúc do anh Trần Xuân Đức (sinh năm 1989) và anh Phan Văn Dân (sinh năm 1991) ở thôn Thủy Trung, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh làm chủ được Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Quảng Trị công nhận vườn cây đầu dòng. Tại Quảng Trị, hiện đây là vườn đầu dòng cây cao su RRIV 209 duy nhất được công nhận và trực tiếp cung cấp khoảng 80% giống cây cao su phục vụ sản xuất trong tỉnh.

Để xây dựng nên vườn đầu dòng cây cao su RRIV 209 này, Trần Xuân Đức và Phan Văn Dân đã có gần 10 năm tìm hiểu, gắn bó với cây cao su. Cùng theo học Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, sau khi tốt nghiệp, năm 2014, Trần Xuân Đức vào công tác tại phòng kỹ thuật thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị còn Phan Văn Dân đảm trách mảng thị trường tại một công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tuy công việc ổn định nhưng là những trí thức trẻ mong muốn phát triển kinh tế theo hướng riêng và góp sức xây dựng nền nông nghiệp quê hương, Đức và Dân ấp ủ dự định trở về quê lập nghiệp. Qua tìm hiểu, nhận thấy ngay tại địa phương, qúa trình tái canh, trồng mới các vùng cao su, nhu cầu giống cây trồng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, người nông dân lớn, trong khi đó nguồn giống phải nhập từ miền Nam ra, vừa khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng lại chịu giá thành cao vì mất phí vận chuyển. Cao su tiểu điền đã được Quảng Trị xác định là 1 trong 6 cây chủ lực cạnh tranh. Toàn tỉnh có 9/10 huyện, thị xã, thành phố trồng cây cao su với diện tích khoảng 19.300 ha và theo định hướng tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch vùng trồng để duy trì diện tích, hình thành được các vùng sản xuất quy mô lớn. Nắm bắt thị trường, Đức và Dân quyết định thử nghiệm mô hình sản xuất giống cây cao su ngay tại địa phương.  

Cây cao su đầu dòng RRIV 209 ngay tại vườn giống của anh Trần Xuân Đức và Phan Văn Dân
Cây cao su đầu dòng RRIV 209 ngay tại vườn giống của anh Trần Xuân Đức và Phan Văn Dân

Quyết tâm triển khai kế hoạch đã đặt ra, Đức và Dân thống nhất cùng xin nghỉ việc tại 2 công ty, tìm đến vườn giống cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai được xem là vườn giống cao su quy mô nhất ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới; Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để học tập. Với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được và nguồn vốn ban đầu 2,3 tỷ đồng, đầu năm 2021, trên diện tích đất gần 2 ha của gia đình, Đức và Dân bắt đầu đầu tư cải tạo đường, san ủi mặt bằng, thiết kế vườn cây giống quy mô, bài bản, đạt tiêu chuẩn, gồm 2 vườn lắp đặt đầy đủ hệ thống điện, tưới nước tự động, dàn lưới cắt nắng 60%, kho chứa… Hoàn thiện cơ sở vật chất, tháng 4/2021, Đức và Dân nhập vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 3.000 stump giống cao su RRIV 209 từ Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam về thử nghiệm sản xuất tại cơ sở. “Giống RRIV 209 là một giống mới đã được Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam xếp vào đầu bảng những loại giống ưu tiên trồng tại vùng miền Trung và Tây Nguyên, giống cho năng suất mủ cao, ổn định, có thể đạt 2,5 tấn/ha, cao hơn những giống cao su khác lên đến 1 tấn/ha. Ở Quảng Trị, giống RRIV 209 cũng đã được Sở Nông nghiệp và PTNN đưa vào sản xuất đại trà nên cơ sở chúng tôi lựa chọn giống cao su này để đầu tư sản xuất”, anh Trần Xuân Đức cho biết.

Sau hơn 5 tháng tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật sản xuất, đến tháng 9/2021, Cơ sở giống cây trồng Đức Phúc đã trồng được vườn nhân cây đầu dòng đảm bảo chất lượng từ stump giống cao su RRIV 209 của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam. Mỗi cây giống cao từ 25 - 50 cm, đường kính gốc thân 0,5 - 1 cm; 1 - 2 tầng lá, thân mọc thẳng, không sâu bệnh… Những lứa giống đầu tiên lần lượt được xuất bán cho Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị và các hộ dân ở huyện Vĩnh Linh, huyện Gio Linh, huyện Cam Lộ. Cơ sở giống cây trồng Đức Phúc dần tạo dựng nên uy tín khi sản phẩm giống cao su RRIV 209 trồng tại các khu vực đều được đánh giá cao, cây sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều. Quá trình sản xuất, Đức và Dân vẫn nghiên cứu để không chỉ cung cấp nguồn giống chuẩn mà còn thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và có giá thành hợp lý. Anh Phan Văn Dân cho hay: “Năm đầu chúng tôi vẫn theo hình thức bán sản xuất, tức là nhập bán thành phẩm là stump giống cao su RRIV 209 của Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam về sản xuất giống. Nhưng nhận thấy việc bán sản xuất phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập, từ thời gian, khí hậu, vận chuyển, giá thành sản phẩm... Vì thế chúng tôi dần chuyển sang tự sản xuất cây đầu dòng ngay tại vườn ươm, nhân giống bằng hình thức vô tính khi lấy mắt ghép từ chính vườn cây đầu dòng ghép lên cây cao su thực sinh (cây bỏ hạt). Và đến tháng 12/2022, cơ sở chính thức được đưa vào ghép giống, hoàn toàn chủ động quy trình, tất cả các khâu sản xuất giống đầu dòng cao su RRIV 209. Nhân giống theo kỹ thuật này còn có ưu điểm bộ rễ phát triển ngay từ hạt nên sẽ chắc khỏe hơn, tăng khả năng chống chọi mưa bão, tỷ lệ cây sống có thể đạt đến 99%”.  

Từ việc xây dựng thành công vườn cây đầu dòng cây cao su RRIV 209 được Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Quảng Trị công nhận, Cơ sở giống cây trồng Đức Phúc của 2 kỹ sư nông nghiệp Trần Xuân Đức và Phan Văn Dân góp phần cung ứng nguồn giống chất lượng tại chỗ, hỗ trợ trực tiếp cả về kỹ thuật trồng, chăm sóc để người dân, HTX, doanh nghiêp phục vụ việc trồng mới cây cao su theo hướng an toàn, hiệu quả. Ngoài cung cấp 80% giống cây cao su phục vụ sản xuất trong tỉnh, những thời điểm thị trường khan hiếm giống, Cơ sở giống cây trồng Đức Phúc còn được nhiều đại lý thuộc TP Huế, các tỉnh Quảng Bình, Đắk Lắk, Gia Lai tin tưởng liên hệ đặt mua cây giống. “Tính từ tháng 9/2021 đến nay, cơ sở chúng tôi đã xuất bán 100.000 cây giống/ 120.000 cây giống sản xuất được, giá thành 30.000 đồng/ cây giống, doanh thu đạt 3 tỷ đồng, trong đó lãi ròng khoảng 700 triệu đồng. Cơ sở cũng đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức lương từ 4 - 5,5 triệu đồng/tháng”, anh Trần Xuân Đức cho biết thêm.

(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)

Chuyển hướng sản xuất - kinh doanh cao su sang Lào

Tân Nguyên |

Tỉnh Quảng Trị hiện có tổng diện tích trên 19.300 ha cao su, trong đó cao su tiểu điền hơn 14.500 ha do người dân trồng. Sản lượng bình quân hằng năm đạt 19.000-20.000 tấn mủ khô. Tuy nhiên, với quy mô diện tích cao su ngày càng thu hẹp, sản lượng giảm thì các nhà máy chế biến phải tích cực tìm kiếm thu mua mới đảm bảo đủ công suất.

444 triệu đồng hố trợ người dân trồng cao su tiểu điền

Mỹ Hằng |

Để nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có nhiều chính sách hỗ trợ các địa phương này phát triển kinh tế vùng gò đồi, động viên bà con nhân dân mạnh dạn xóa bỏ vườn tạp năng suất thấp sang áp dụng các mô hình phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó cây cao su tiểu điền là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn được ưu tiên lựa chọn.

Cháy lớn thiêu rụi xưởng chế biến mủ cao su, ước tính thiệt hại hơn 800 triệu đồng

Bảo Phú |

Khoảng 19h50 ngày 15/8/2022, xảy ra vụ cháy lớn ở xưởng hong - sấy mủ cao su của bà  Lê Thị Phi, trú tại thôn Đồng Tâm, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng trị. 

Kịp thời khống chế đám cháy lớn tại nhà máy cao su ở nước bạn Lào

Q.H |

Ngày 6/4, theo thông tin từ lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Quảng Trị, đơn vị vừa kịp thời hỗ trợ Nhà máy Chế biến cao su Sê Pôn, ở bản Seman, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) dập tắt một đám cháy lớn.