Năm 1997, ông Bùi Xuân Khiêm (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị) bén duyên với nghề làm nước mắm.
“Đối với một cơ sở sản xuất thì việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm là một việc làm, chiến lược quan trọng trong kinh doanh; giúp sản phẩm làm ra có được chỗ đứng riêng trên thị trường, tăng sức cạnh tranh và khẳng định uy tín. Quá trình tạo dựng thương hiệu và được người tiêu dùng công nhận không chỉ chứng minh cho sự phát triển, chất lượng của một sản phẩm mà đó còn là cả tâm huyết, thời gian và công sức của chính những người người sản xuất”. Đó là chia sẻ của ông Bùi Xuân Khiêm chủ cơ sở chế biến nước mắm Khiêm Trọng, người đã có 25 kinh nghiệm trong nghề làm nước mắm truyền thống và đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình.
Năm 1997, ông Bùi Xuân Khiêm bén duyên với nghề làm nước mắm. Bước đầu với quy mô nhỏ, làm nước mắm trong chum, vại sành chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình và buôn bán nhỏ lẻ ở quê nhà Vĩnh Giang. Đến năm 2006, sau khi đã tích cóp được một ít vốn, ông Khiêm cùng gia đình đầu tư 100 triệu đồng mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi sang xây dựng bể xi măng để chứa đựng sản phẩm.
Ông Khiêm cho biết: “Thời điểm đó, nhu cầu tiêu thụ nước mắm của người dân ở địa phương bắt đầu tăng cao, trong khi các cơ sở sản xuất nước mắm trong vùng còn ít chưa đáp ứng đủ. Công ty chế biến thủy sản duy nhất thì đóng cửa nên tôi quyết định đầu tư, đăng kí sản xuất và kinh doanh theo hình thức hộ gia đình. Đây như là bước ngoặt đầu tiên, đánh dấu sự phát triển của nghề lằm nước mắm truyền thống của bản thân”.
Với lợi thế nằm ở vùng biển ngư trường đảo Cồn Cỏ và cảng cá Cửa Tùng nên nguồn nguyên liệu sản xuất cung cấp cho cơ sở của ông Khiêm rất dồi dào, nhất là cá cơm. Không mất nhiều thời gian để vận chuyển nguyên liệu vào bờ phục vụ quá trình sản xuất nên chất lượng cá luôn đảm bảo tươi ngon, cùng với công thức ủ riêng đã cho ra những giọt nước mắm mang hương vị đậm đà.
Quá trình chế biến nước mắm được ông Khiêm chia sẻ: “Nguyên liệu cá cơm được lấy từ ngư trường Cồn Cỏ và muối biển sạch cũng được làm trực tiếp tại Cửa Tùng. Khi chế biến cá và muối sẽ được trộn theo tỷ lệ 5:1, hỗn hợp này được đưa vào bể chợp ủ từ 12-18 tháng. Sau khi chợp chín, tiến hành kéo rút và cho ra những giọt nước mắm nguyên chất sau đó đưa đi lọc và đóng chai để cho ra thành phẩm. Mọi quy trình đều được ghi chú, theo dõi cẩn thận để đảm bảo đúng thời gian, không quá mặn và độ chín thơm”.
Năm 2010, sau khi cơ sở sản xuất của mình được UBND huyện Vĩnh Linh khen thưởng danh hiệu “Điển hình tiên tiến” 5 năm liền, ông Khiêm tiếp tục mở rộng sản xuất; năm 2015 mức vốn đầu tư được nâng thêm 200 triệu đồng. Để bước đầu tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nước mắm truyền thống Khiêm Trọng, năm 2016, được sự hỗ trợ của UBND huyện và Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh, ông Khiêm đưa sản đi tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Với chất lượng và đặc trưng riêng “Nước mắm Khiêm Trọng” được công nhận, trở thành 1 trong 3 sản phẩm đầu tiên của huyện Vĩnh Linh đạt danh hiệu này. Cũng từ đó mà “Nước mắm Khiêm Trọng” đã bước đầu tạo được chỗ đứng trên thị trường và được đông đảo người tiêu dùng biết đến, nhiều đơn vị đã tìm tới tận cơ sở chế biến của anh Khiêm để phân phối sản phẩm.
Năm 2017, là năm nhiều dấu mốc đối với chủ cơ sở chế biến nước mắm truyền thống Khiêm Trọng: đạt được giải thưởng Bông sen Hồng huyện Vĩnh Linh, nâng mức vốn đầu tư lên 1 tỷ đồng để mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu người dân trong và ngoài tỉnh. Cũng từ đó đến nay, cơ sở chuyển đổi bể xi măng sang bể Inox để đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm vơi quy mô và công suất sản xuất lớn, sử dụng các trang thiết bị máy móc hiện đại hơn như máy lọc nước mắm, máy khằng chai…
Hiện nay, trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của ông Khiêm cung cấp ra thị trường trung bình 15.000 - 17.500 lít nước mắm và 12.000kg phụ phẩm từ quá trình sản xuất, đem lại nguồn thu trên 2 tỷ đồng. Sản phẩm mang thương hiệu “Nước mắm Khiêm Trọng” đã có mặt khắp các nơi trong tỉnh như: Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Đông Hà, Vĩnh Linh…. Ngoài tỉnh như: Gia Lai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định. Ngoài việc bán trực tiếp và cũng cấp cho các đơn vị đầu mối để quảng cáo và tăng thêm đầu ra cho sản phẩm, ông Khiêm cũng đã xây dựng kênh bán hàng riêng qua mạng internet với hiệu quả cao.
Ông Khiêm chia sẻ: “Để xây dựng được thương hiệu và uy tín, trước hết người chủ sản xuất phải đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng để làm ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, thơm ngon, mẫu mã hình ảnh sản phẩm và cung cấp thông tin rõ ràng trên bao bì, nhãn mác; đặc biệt phải tuân thủ các quy định về môi trường. Bên cạnh đó cũng cần có một chiến lược quảng bá riêng và xác định được hướng, mục tiêu phát triển cho sản phẩm của mình, từng bước một nhưng phải vững chắc”.
Chính vì vậy, mục tiêu trong thời gian tới cơ sở chế biến nước mắm Khiêm Trọng đang hướng đến đó là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời mở rộng thị trường, xây dựng kênh phân phối rộng khắp toàn quốc và xa hơn là tiếp cận thị trường nước ngoài.