5 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2023

Thanh Trúc |

Ngày 14/5,UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, Trưởng Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh (Ban điều hành) chủ trì hội nghị.


Báo cáo của Ban điều hành cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 60 bộ hồ sơ và sản phẩm của 9 huyện, thị xã, thành phố tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 35 sản phẩm mới, 20 sản phẩm công nhận lại và 5 sản phẩm nâng hạng.

Có 58/60 sản phẩm đủ điều kiện công nhận từ hạng 3 sao trở lên, trong đó 13 sản phẩm đề nghị hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng. Ban điều hành đã lựa chọn 5 sản phẩm của 5 chủ thể để công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh cho 5 chủ thể - Ảnh: T.T
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh cho 5 chủ thể - Ảnh: T.T

Đến nay, toàn tỉnh có 138 sản phẩm OCOP, tăng 23 sản phẩm so với năm 2022, trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, 95 sản phẩm 3 sao. Có 75 chủ thể OCOP, trong đó 21 chủ thể là hợp tác xã, 9 chủ thể là tổ hợp tác, 22 chủ thể là doanh nghiệp, 24 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh. Toàn tỉnh hiện có 9 điểm giới thiệu và bán hàng OCOP. Đã có trên 95% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.

Ban Chỉ đạo đã triển khai Chương trình OCOP năm 2024 với một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường hoạt động tuyên truyền thông qua các loại hình truyền thông để làm rõ và sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý, các chủ thể OCOP.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, lợi thế về vùng nguyên liệu địa phương. Nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá, công bố và kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP, hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với vùng nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục lan tỏa, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến Chương trình OCOP.

Trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường đào tạo, tập huấn, khảo sát, lựa chọn ý tưởng, tư vấn phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, hồ sơ sản phẩm, thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.

Sở Công thương ưu tiên xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ tập trung hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển sản xuất sản phẩm. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP ở địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chỉ đạo UBND cấp xã tham gia vào các hoạt động của Chương trình OCOP...

Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh cho 5 chủ thể gồm: Gạo hữu cơ Quảng Trị của Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị, Tinh bột nghệ của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung, Xịt dưỡng tóc tinh dầu bưởi của Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị, Cao thảo dược gội đầu Mộc Mây của Hợp tác xã Dược liệu Trường Sơn, Cao chè vằng Mai Thị Thủy của Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ cây dược liệu

Bảo Bình |

Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm OCOP từ những loại cây này.

Hướng Hóa quan tâm xây dựng sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP

Ngọc Trang |

Là địa phương miền núi có nền nông nghiệp phát triển khá bền vững, có nhiều loại nông sản đặc trưng, trong những năm qua, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp sát thực nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng sản phẩm mang thương hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xác định là điểm nhấn để triển khai thực hiện mục tiêu này, đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hiện thực hóa ý tưởng tăng giá trị cho sản phẩm ném OCOP Hải Dương

Hiếu Giang |

Với trăn trở làm gì để tăng giá trị kinh tế cho cây ném quê nhà trên thị trường, chị Phạm Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã cùng các cộng sự xây dựng và thực hiện ý tưởng: Chế biến sâu sản phẩm ném OCOP Hải Dương bằng phương pháp sấy lạnh. Đây là một ý tưởng rất thực tế, khả thi cao và đã được trao giải Ba tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Trị năm 2023.

Kích cầu tiêu dùng và quảng bá quà tết từ các sản phẩm OCOP

Bảo Bình |

Bên cạnh những giỏ quà tết với mứt, trà, rượu như truyền thống, sự xuất hiện của các sản phẩm OCOP những năm gần đây đã góp phần làm phong phú thị trường quà tết.