Là địa phương miền núi có nền nông nghiệp phát triển khá bền vững, có nhiều loại nông sản đặc trưng, trong những năm qua, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp sát thực nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng sản phẩm mang thương hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xác định là điểm nhấn để triển khai thực hiện mục tiêu này, đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh ở xã Hướng Tân là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện, tỉnh tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Tận dụng lợi thế của vùng được coi là “vựa cà phê Hướng Hoá”, đơn vị đã chọn cà phê để xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng.
Với chất lượng cà phê được đánh giá cao, quy trình sản xuất đảm bảo đối với hai loại cà phê bột và cà phê hạt rang xay, cả hai sản phẩm này đều đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh, đang hoàn thành hồ sơ đề nghị nâng hạng 5 sao, được thị trường trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng.
Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Xác định cần nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu cà phê địa phương, chúng tôi tuân thủ quy trình sơ chế nghiêm ngặt, lựa chọn nguyên liệu chất lượng, đồng thời ứng dụng máy móc hiện đại trong quá trình sơ chế và chế biến, quan tâm đầu tư khâu thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm ấn tượng nên cả hai sản phẩm cà phê bột và cà phê hạt rang xay của đơn vị hiện đã được xếp hạng cao và có thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của địa phương, hợp tác xã đang xây dựng hồ sơ và đăng ký xếp hạng OCOP cho một số sản phẩm tiếp theo, như bột tía tô, trà cà phê và bột kem bơ”.
Bám sát điều kiện tự nhiên của từng địa phương, huyện Hướng Hoá đã có định hướng cụ thể trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu; đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, đồng thời tuyên truyền vận động Nhân dân tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hoá, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Triển khai các chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, trang bị kiến thức và kỹ năng trong đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư mẫu mã hợp lý, bắt mắt, xây dựng hồ sơ đáp ứng yêu cầu...
Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan từ cấp tỉnh đến cấp huyện để có sự đánh giá thực tế và định hướng lựa chọn sản phẩm phù hợp để tiến hành xây dựng và phân hạng sản phẩm, đồng thời phối hợp với các đơn vị tư vấn để hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ, hỗ trợ các phần kinh phí cần thiết để xây dựng sản phẩm OCOP.
Giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách; giao Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì, phối hợp với các ngành, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện chương trình OCOP; vận động các chủ thể đăng ký ý tưởng sản phẩm.
Bám sát điều kiện thực tế của từng địa phương để có hướng hỗ trợ, động viên và khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xã, đơn vị doanh nghiệp trong việc lựa chọn sản phẩm và từng bước nâng cao giá trị sản phẩm để xây dựng sản phẩm OCOP. Định hướng quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp vừa phục vụ cho xây dựng sản phẩm OCOP bền vững, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chỉ tính riêng năm 2023, qua 3 đợt đăng ký toàn huyện có 14 ý tưởng đăng ký tham gia; 6 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, trong đó 4 sản phẩm đăng ký đánh giá lần đầu; 1 sản phẩm đăng ký đánh giá, công nhận lại, 1 sản phẩm được hỗ trợ hoàn thiện để đánh giá nâng hạng thành sản phẩm OCOP 5 sao...
Từ kinh phí của ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện các chương trình, huyện ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các chủ thể tham gia đánh giá phân hạng năm 2023 với tổng số tiền hơn 481 triệu đồng, đầu tư chủ yếu hỗ trợ nâng hạng sản phẩm; bao bì, nhãn mác sản phẩm; tư vấn hồ sơ....Đến nay, huyện đã xây dựng được 18 sản phẩm OCOP, trở thành một trong 2 huyện có nhiều sản phẩm OCOP nhất trong tỉnh sau Cam Lộ. Các sản phẩm được xếp hạng đều là những nông sản mang tính đặc trưng của Hướng Hoá như cà phê, măng, chuối mật mốc, chanh leo...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá Lê Quang Thuận cho biết: “Xác định xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP là hướng đi đúng đắn, hiện nay huyện đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, chú trọng khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước đa dạng hoá và không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng xây dựng thương hiệu, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của huyện phát triển bền vững.
Năm 2024, huyện phấn đấu xây dựng từ 5-7 sản phẩm OCOP. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kinh phí, tư vấn các chủ thể đăng ký ý tưởng, xây dựng hồ sơ công nhận mới sản phẩm OCOP; đối với những sản phẩm OCOP đã hết hạn, tiếp tục làm hồ sơ công nhận lại”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)